Bắc Ninh: Phát huy bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch
Bắc Ninh là một trong số ít địa phương làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản văn hóa, cùng với phát triển du lịch, thể hiện sự năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương.
>> Bắc Ninh: Thiết thực trợ lực cho doanh nghiệp
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Hữu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Bắc Ninh về việc phát huy bản sắc văn hóa tạo nền tảng phát triển mô hình du lịch tỉnh.
- Bắc Ninh - Kinh Bắc từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; là phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long, Đông Đô - Hà Nội. Tỉnh Bắc Ninh đã có các giải pháp gì để phát huy bản sắc văn hóa bên cạnh phát triển kinh tế, thưa ông?
Trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước, Bắc Ninh là vùng đất phát triển từ rất sớm, trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn gắn với những dấu ấn thiêng liêng trong lịch sử dân tộc. Bắc Ninh là vùng đất khai mở của Thủy tổ của dân tộc (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ), chốn tổ đình Phật giáo Việt Nam và là trung tâm Hán học sớm nhất của nước ta (vùng Dâu - Luy Lâu), nơi phát tích vương triều nhà Lý - triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt...
Trải hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ người Bắc Ninh đã sáng tạo, gìn giữ và trao truyền cho hôm nay một kho tàng di sản văn hoá hết sức đặc sắc, góp phần quan trọng làm phong phú di sản văn hóa dân tộc. Nhiều di sản văn hóa của Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh (Ca trù, Nghi thức và trò chơi Kéo co Hữu Chấp, đặc biệt là Dân ca Quan họ với những làn điệu mượt mà, đằm thắm, say đắm lòng người, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); nhiều di tích lịch sử - văn hóa của Bắc Ninh đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Đô); nhiều tài liệu, hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đặc biệt, Bắc Ninh còn tự hào là quê hương của nhiều nhà cách mạng tiêu biểu như Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo,...
Phát triển kinh tế của Bắc Ninh phải đi đôi với coi trọng, phát triển hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nhìn lại 25 năm tái lập (1997-2021), Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân trong tỉnh đã ra sức phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Nhiều di sản văn hóa của Bắc Ninh được gìn giữ, phát huy điểm nhấn tiêu biểu là chuỗi chương trình hành động bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Quan họ được ngành Văn hóa triển khai hiệu quả, mang đến sức sống mới, giá trị mới cho di sản.
Đáng chú ý, Bắc Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước thực hiện tốt cơ chế chính sách chăm lo, đãi ngộ nghệ nhân, hỗ trợ các làng, các CLB Quan họ... Có thể thấy, thành tựu phát triển văn hóa đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, ấn tượng với nhân dân trong tỉnh và du khách trong nước, quốc tế về một Bắc Ninh văn hiến, giàu tiềm năng phát triển, tạo hiệu ứng tích cực để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Quán triệt sâu sắc quan điểm xuyên suốt, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh trong bối cảnh mới, thời gian tới, ngành văn hóa Bắc Ninh xây dựng chương trình hành động cụ thể với quyết tâm đổi mới, sáng tạo. Tập trung làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND các chủ trương, chính sách nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới. Trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa trong đời sống xã hội. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đầu tư cho văn hóa theo định hướng: Tập trung đầu tư đồng bộ, cho việc xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa mới, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các di sản văn hóa để tạo ra các sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với công chúng trong tỉnh, trong nước và bè bạn quốc tế.
Ban hành cơ chế, chính sách, đặc biệt, chú trọng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để từng bước đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch; vận hành, khai thác phát huy tốt hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở... Thực hiện cam kết với UNESCO, Bắc Ninh đã triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhất là Dân ca Quan họ Bắc Ninh với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
>> Chuyển đổi số ngành du lịch: Bàn đạp vượt qua đại dịch
>> Làm mới du lịch bằng cách nào?
- Để bản sắc văn hóa là điểm nhấn thu hút du lịch, ông cho biết tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành lân cận để phát triển du lịch như nào?
Trong những năm qua tỉnh Bắc Ninh là địa phương đi đầu cả nước trong việc sớm ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách về văn hóa, thể thao và du lịch.
Bắc Ninh được biết đến là xứ sở của đình, chùa, làng nghề và lễ hội truyền thống, là một trong những tỉnh có số lượng di tích nhiều nhất cả nước. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.589 di tích, trong đó có 643 di tích được Nhà nước xếp hạng (04 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 204 di tích xếp hạng quốc gia và 435 di tích xếp hạng cấp tỉnh); 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia,…Cùng với hệ thống di tích là 547 lễ hội truyền thống mang quy mô vùng miền và ở đó đã kết tinh và tỏa sáng bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống, những thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước. Hàng năm đã thu hút hàng ngàn vạn du khách khắp mọi miền về trảy hội, chiêm ngưỡng, tham quan, học tập.
Hoạt động du lịch có chuyển biến rõ rệt, có sự gắn kết giữa du lịch và văn hóa, với mục tiêu chuyển những nguồn lực di sản văn hóa thành tài sản vật chất...Với lợi thế về tiềm năng du lịch, Bắc Ninh cần liên kết với các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là Hà Nội để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, để phát huy lợi thế các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
- Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch từ 15/3, vậy Bắc Ninh có các bước chuẩn bị sẵn sàng, giải pháp xây dựng các mô hình du lịch để đón du khách trong và ngoài nước như thế nào, thưa ông?
Việc Chính phủ cho phép mở cửa du lịch trở lại từ 15/3 là một tín hiệu tốt cho toàn ngành du lịch, bản thân tôi rất vui mừng. Để chuẩn bị cho công tác mở cửa du lịch, lãnh đạo Sở đã có những chỉ đạo thiết thực đến các điểm, tuyến, các cơ sở phục vụ du lịch.
Trước hết, đối với các điểm du lịch vẫn giữ hình ảnh một điểm đến an toàn, tạo sự yên tâm cho du khách khi đến với Bắc Ninh. Đối với các điểm dịch vụ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đồng thời, kết hợp công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường chất lượng phục vụ được tốt hơn. Các khu, điểm và những dịch vụ du lịch phải có sự liên kết với nhau, tạo sự đồng bộ trong việc phục vụ du lịch. Hiện tại, phòng Du lịch đã hoàn thành dự thảo kế hoạch phục hồi phát triển du lịch một cách tổng thể để trình lãnh đạo phê duyệt triển khai trong thời gian tới.
Trong thời gian ngắn, lượng khách chưa thể phục hồi được như cũ, nhất là lượng khách quốc tế do tâm lý còn e ngại tình hình dịch bệnh còn phức tạp, chúng tôi cho rằng cần điều chỉnh lại chiến lược thị trường và xây dựng sản phẩm phù hợp với các xu hướng mới về nhu cầu du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá kết hợp hiệu quả giữa cách thức tuyên truyền, quảng bá du lịch số, truyền hình và các ấn phẩm truyền thông; mở rộng liên kết, tìm kiếm thị trường khách du lịch, ưu tiên kết nối với các địa phương lân cận như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh….
Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa và các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã và đang được quan tâm đầu tư phát triển hình thành các sản phẩm du lịch, có 14 điểm di tích được công nhận điểm du lịch. Một số hoạt động biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh được tổ chức hướng đến khách du lịch như chương trình hát Quan họ trên thuyền định kỳ, biểu diễn hát Quan họ hàng tuần tại Nhà hát Dân ca Quan họ; Câu lạc bộ Quan họ khu Diềm tổ chức canh hát gắn với phục vụ ẩm thực Quan họ truyền thống.
Một số thiết chế văn hóa được đầu tư như Bảo tàng tỉnh, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm bảo tồn nghề tranh Đông Hồ, Trung tâm bảo tồn nghề rối nước Đồng Ngư theo hướng gắn kết với phát triển du lịch.
Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa - du lịch có sự quan tâm đặc biệt. Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức đã lan tỏa và khẳng định một Bắc Ninh Văn hiến - năng động và phát triển. Trong 5 năm gần đây tỉnh đã dành nhiều nguồn lực cho các hoạt động quảng bá di sản văn hóa.
Với mục tiêu phát triển trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh, trong thời gian qua ngành du lịch Bắc Ninh đã tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Chúng tôi xây dựng các loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa gắn với tham quan các di tích lịch sử văn hóa tâm linh, lễ hội, khoa bảng, làng nghề và kiến trúc; Du lịch gắn với các giá trị di sản văn hóa Quan họ;Du lịch gắn với giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; du lịch sự kiện hội nghị - hội thảo (MICE);Du lịch dã ngoại, sinh thái nông nghiệp. Về phát triển các khu, tuyến, điểm du lịch: tỉnh Bắc Ninh xác định phát triển 08 khu du lịch là các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia tiêu biểu sẽ chuẩn bị hoàn thành trong tương lai.
Tin tưởng rằng với chủ chương, chính sách của Chính phủ du lịch cả nước sẽ sớm hồi phục, đặc biệt bản sắc văn hóa cùng du lịch tỉnh Bắc Ninh sẽ ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến vùng đất Kinh Bắc tinh hoa của người Việt.
- Trân trọng cám ơn ông!
Có thể bạn quan tâm