Quảng Nam hướng tới phát triển du lịch xanh
Xác định tâm thế và đón đầu xu hướng, tỉnh Quảng Nam đang viết tiếp câu chuyện phát triển du lịch xanh nhằm hướng tới một ngành du lịch bền vững thực thụ.
>>Khơi thông du lịch cộng đồng
Sau khi ban hành Bộ tiêu chí phát triển du lịch xanh, tỉnh Quảng Nam đã có rất nhiều động thái cổ vũ và kiến tạo nền du lịch xanh nhằm “mở đường”, chung tay vực dậy du lịch sau đại dịch. Thông qua đó, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn cùng hưởng ứng góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch Quảng Nam trong bối cảnh “bình thường mới”.
Việc các doanh nghiệp hưởng ứng xây dựng sản phẩm du lịch xanh sẽ góp phần lan tỏa thông điệp “du lịch xanh” sẽ là yếu tố đưa du lịch bền vững lan tỏa sâu rộng. Đồng thời, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hướng đến lợi ích cộng đồng nhiều hơn trong tương lai.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng địa phương đã hướng tới việc phát triển du lịch xanh và sẽ triển khai các hoạt động thúc đẩy xuyên suốt. Theo ông Bửu, tỉnh Quảng Nam đã có những kế hoạch dài hơi cho việc xanh hóa, góp phần vào thông điệp “Quảng Nam – điểm đến du lịch xanh”.
“Chúng tôi đang tích cực tham mưu cho Chính phủ về chứng chỉ carbon và là tỉnh đầu tiên tham mưu về vấn đề này. Để làm được điều đó chúng tôi phải giữ rừng, hiện nay Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên nhiều nhất nước dù diện tích tỉnh chỉ đứng thứ 6. Quảng Nam sẽ tích cực bảo vệ rừng để giữ được đa dạng sinh học, tìm thêm nguồn kinh phí để đầu tư phát triển cho rừng”, ông Hồ Quang Bửu nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tại địa phương đã có sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường là sở hữu một trong năm loại sâm quy hiếm nhất thế giới là sâm Ngọc Linh. Chính phủ đã đồng ý triển khai chương trình sâm Quốc gia đến năm 2045, trong đó hướng tới bảo vệ môi trường và sinh kế cho người dân.
“Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần áp dụng chuyển đổi số để gặt hái được nhiều thành quả hơn. Nếu chúng ta xanh hóa trên môi trường chuyển đổi số ngành du lịch thì tương lai ngành du lịch sẽ tiếp tục phát triển đúng hướng bền vững”, ông Hồ Quang Bửu nói thêm.
Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, xu hướng xanh được khởi nguồn từ khách du lịch và là yếu tố cần thiết của ngành du lịch. Từ đó, cộng động doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu thêm để xác định những giá trị đó cần phải được hiện thực hóa từ hành động.
“Nếu chúng ta hướng đến du lịch xanh tốt hơn thì chúng ta sẽ có thị trường tốt, dòng khách tốt đế tham gia cùng để bảo tồn các giá trị văn hóa của Quảng Nam hay Hội An, các giá trị cộng đồng, nâng giá trị điểm đến,... Từ đó, việc phát triển du lịch xanh trong tương lai cần có những mục tiêu rõ ràng và những sản phẩm đầu tiên mang lại giá trị cộng đồng để các doanh nghiệp khác có thể tham chiếu”, ông Phan Xuân Thanh nói.
Xác định những thuận lợi và thách thức, ông Thanh cho rằng thuận lợi của Quảng Nam là sở hữu nguồn tài nguyên về di sản và thiên nhiên vô cùng quý giá. Ông Thanh cho rằng chỉ cần doanh nghiệp biết cách nương tựa vào tài nguyên thì sẽ tạo nên ngành du lịch tốt. Ngoài ra, chính quyền cùng các tổ chức quốc tế cũng đã thường xuyên hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp thay đổi tư duy làm du lịch.
“Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức hiện hữu, thực tế việc phát triển du lịch xanh, bền vững sẽ mang tính lâu dài về nguồn thu, do đó sự cân bằng về phân bổ nguồn lực trước mắt và lâu dài là vấn đề quan trọng. Người kinh doanh muốn mở cửa ra để có thu nhập ngay, nhưng càng muốn có khách nhanh thì tính bền vững sẽ không còn nữa. Ngoài ra, trước đặc tính văn hóa của người Quảng Nam, Hội An thì làm sao để có một nhóm cộng đồng mạnh hơn vẫn chưa có sự gắn kết, việc làm sao để có một “ngôi sao lớn” về du lịch vẫn chưa thực hiện được cũng là một thách thức không nhỏ”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ.
Sau những thành công từ Chợ phiên Làng chài Tân Thành, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Santa Sea Hội An Villa (Đồng sáng lập Chợ phiên Làng chài Tân Thành) đặt nhiều kỳ vọng vào định hướng phát triển du lịch xanh của Quảng Nam. Theo ông Việt, “cái xanh” xuất phát từ bên ngoài về sinh thái và bên trong là du lịch không rác thải, đội ngũ nhân lực để nhận thức, ý thức gìn giữ môi trường, giá trị bản địa tạo nên bản sắc mà không tạo nên xung đột, ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên, văn hóa.
“Thông qua du lịch xanh sẽ giảm áp lực cho các di sản trên địa bàn bởi trước đây Quảng Nam hướng đến các tệp khách nghỉ dưỡng, trải nghiệm dịch vụ hơn là “cưỡi ngựa xem hoa”. Ở đây không chỉ là khách quốc tế mà còn cả là khách nội địa, tôi mong muốn rằng Quảng Nam đón được những tệp khách yêu văn hóa, giá trị bản địa để đến với địa phương để trải nghiệm một du lịch xanh đúng nghĩa”, ông Lê Quốc Việt kỳ vọng.
Ngoài ra, người này cũng thông tin thời gian tới đơn vị sẽ chuẩn bị cho festival du lịch biển. Trong đó, cụ thể sẽ có một một viên trưng bày về những tác hại của rác thải đối với biển, du lịch thiếu bền vững cho du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng. Qua đó, sẽ tuyên truyền cho mọi người về ý thức bảo vệ môi trường, góp phần vào thành công của sự kiện năm du lịch Quốc gia 2022 tại Quảng Nam.
Có thể bạn quan tâm