CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Trăn trở cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp du lịch, song vấn đề chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhiều hơn nữa những “trợ lực” từ chính sách và các tổ chức.
>> CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Tám nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung
Đó là chia sẻ của bà Đỗ Hồng Xoan – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh, Chuyên đề II: “Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng nay (18/5).
Cụ thể, bà Xoan cho biết, vấn đề chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu của toàn cầu, nhất là hậu đại dịch. Chuyển đổi số là sự tồn tại, sự sống còn của doanh nghiệp. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch đến năm 2022, định hướng đến năm 2025, xác định số hóa là vấn đề sống còn của Việt Nam.
Số hóa không là chiến lược riêng của các doanh nghiệp mà hiện nay sẽ trở thành thông lệ mà các doanh nghiệp phải ứng dụng để nâng cao tính cạnh tranh.
Có thể bạn quan tâm |
Hiện nay ngành du lịch đang nhận được tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số. Thực tế, những doanh nghiệp có quy mô lớn áp dụng chuyển đổi số là câu chuyện khác, trong khi đó có đến 3/4 các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn hơn.
Do đó, trong quá trình áp dụng công nghệ chuyển đổi số thì các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ rất trăn trở bởi đây là câu chuyện vừa phải có chính sách từ trung ương đến các bộ đến tổng cục du lịch đến hiệp hội cũng như sự chuyển đổi từ các sở địa phương mới có thể theo kịp được.
Bà Đỗ Hồng Xoan chia sẻ, ngành du lịch Việt Nam đã tham gia WTO và ngay tuyên bố thời điểm đó, vấn đề du lịch xanh, du lịch thông minh, du lịch sinh thái đã được đặt lên hàng.
Tại các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, họ đã thực hiện chuyển đổi số từ lâu, và đã trở thành chuyên môn hóa của tất cả các doanh nghiệp, trở thành những quy trình, thói quen, chỉ cần ngồi một chỗ có thể làm việc với tất cả toàn thế giới từ đặt phòng, đặt tour, tìm hiểu về điểm đến... ngay cả khi chưa tới đó.
Lấy dẫn chứng rõ hơn, bà Xoan cho biết, các doanh nghiệp có quy mô lớn như Accor, Marriot,... hệ thống Booking phòng của họ đã chuyên nghiệp từ nước ngoài, sau đó khách sạn chỉ đón những khách cao cấp, khách Việt Nam chỉ đạt khoảng 3-5% tổng lượng khách đến lúc chú ở các khách sạn này. Ở các trung tâm du lịch, từ trước năm 2019, những booking đến các khách sạn 4-5 sao lúc nào cũng đạt trên 95% lượng phòng.
Các doanh nghiệp đó họ cũng đã áp dụng số hóa từ trong quản lý, điều hành, các khâu thực hiện đón tiếp khách để mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách hàng.
Theo bà Xoan, hiện nay để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường và cả quốc tế, các doanh nghiệp Việt cũng đã nhận ra muốn tiếp cận khách hàng cũng như giữ chân họ ở lại cơ sở mình lâu dài thì đã đến lúc không thể kinh doanh truyền thống nữa.
Đặc biệt, hậu đại dịch, việc số hóa sẽ càng khó khăn hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi công nghệ còn yếu, chưa có quy trình quản lý, chưa có công nghệ thông tin đi sâu vào từng bộ phận để tạo ra quá trình hoạt động chuyên nghiệp, quy trình khép kín.
Vừa rồi Quốc hội cũng đã thông qua chương trình phát triển, có bổ sung ngân sách để bổ sung chuyển đổi số và xúc tiến du lịch, đây là cơ sở để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. “Chúng tôi mong muốn hơn nữa những chính sách để cùng đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa” - bà Xoan nói.
Có thể bạn quan tâm