Tín hiệu tích cực cho ngành du lịch từ các con số

LINH NGA 01/06/2022 03:15

Chuỗi sự kiện SEA Games 31 đã giúp du lịch Việt Nam thu được nhiều kết quả tích cực trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022.

>>CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Trăn trở cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

fd

Lượng khách nội địa tăng 14% so với tháng 4 và tăng 243% so với cùng kỳ 2021.

Theo báo cáo tháng 5 của Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa tăng 14% so với tháng 4 - tháng có hai kỳ nghỉ giỗ Tổ và 30/4 và tăng 243% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, lượng khách lưu trú là 8 triệu lượt. Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của khách nội địa, khi 5 tháng đầu năm đón 48,6 triệu lượt.

Không chỉ khách nội địa, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 là 136.000 lượt, tăng khoảng 1,9 lần so với tháng 4. Trong 5 tháng đầu năm, lượng khách ước đạt 228.400 lượt. Tổng thu của toàn ngành du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt 211.000 tỷ đồng.

Các con số trên cho thấy, du lịch Việt có nhiều triển vọng phục hồi khi mở cửa trở lại. Theo Tổng cục Du lịch, khách Hàn Quốc và Mỹ đến Việt Nam nhiều nhất. Tiếp đến là khách từ Đông Bắc Á như Đài Loan, Nhật Bản. Thị trường Trung Quốc tăng trưởng âm do vẫn còn chính sách Covid-19. Các thị trường Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Singapore cũng đồng loạt tăng mạnh. Với các thị trường từ châu Âu, khách Pháp, Anh và Đức nhiều nhất.

Còn theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu của người dân tăng cao.

Theo dự kiến năm 2022, Việt Nam phấn đấu đạt 60 triệu khách du lịch trong nước và 5 triệu khách quốc tế.

>>Hà Nội: Nắm bắt "cơ hội vàng" du lịch từ SEA Game 31

Đoàn VĐV Thái Lan tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đoàn VĐV Thái Lan tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đáng chú ý, trong dịp diễn ra SEA Games 31, Hà Nội đã đón gần 700.000 lượt khách du lịch nội địa, 31.448 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú đến tham quan và tham gia các sự kiện của ngày hội Thể thao Đông Nam Á.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới.

Theo Tổng cục Du lịch, kết quả xếp hạng của ngành du lịch Việt Nam theo hướng tiếp cận mới của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã phản ánh thành tựu trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta; sự thích ứng linh hoạt, an toàn, nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành để triển khai hoạt động du lịch an toàn. Nhà nước ta cũng đã có những quyết sách kịp thời nhằm phục hồi, mở cửa trở lại toàn bộ du lịch nội địa và quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt...

Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ số trong tái thiết và phục hồi du lịch bền vững. Ngày càng nhiều dịch vụ du lịch được tiếp cận qua nền tảng số như đại lý du lịch trực tuyến (OTA), kinh tế chia sẻ, đặt phòng trực tuyến, thanh toán điện tử, thiết bị di động…Việc này đã mang lại cho du khách nhiều tiện ích, nhiều lựa chọn hơn và giảm bớt tiếp xúc trực tiếp, gia tăng trải nghiệm liền mạch của du khách.

fd

Diễn đàn: ““Luồng xanh” cho du lịch cất cánh” – Chuyên đề II: Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Du lịch Việt theo đã đón nhận nhiều tín hiệu vui từ sự bùng nổ du khách nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, tại Diễn đàn: ““Luồng xanh” cho du lịch cất cánh” – Chuyên đề II: Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, các ý kiến cho rằng, để doanh nghiệp cùng toàn ngành du lịch thực sự "hồi sinh" và "bứt tốc" trong chặng đua mới, ngành du lịch Việt cần tận dụng chuyển đổi số để tự cứu lấy mình sau cơn bão Covid-19.

Để thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch, ông Nguyễn Đức Thành - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens đề xuất, cần đẩy mạnh truyền thông về áp dụng các sản phẩm chuyển đổi số. Bởi theo ông Thành, qua một thời gian triển khai và vận hành, những lợi ích trong chuyển đổi số dần hiện hữu không còn là lý thuyết.

Ngoài ra, ông Thành cũng kiến nghị, cần tập trung vào đào tạo, tạo việc làm, bởi tương lai của du lịch tập trung vào chuyển đổi số, các công việc du lịch sẽ đòi hỏi các kỹ năng kỹ thuật cụ thể để thực hiện và quản lý hiệu quả các dịch vụ du lịch thông minh. Tác động xã hội lớn nhất của chuyển đổi số trong du lịch có thể là đối với lực lượng lao động của ngành, lực lượng này chiếm 1/10 việc làm trên quy mô toàn cầu.

Ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình đưa ra một số giải pháp cụ thể: thứ nhất, nâng cao nhân thức tư duy cán bộ Nhà nước, chủ doanh nghiệp về chuyển đổi số. Thứ hai, cơ sở dữ liệu hoà chung và kết nối với các địa phương. Thứ ba, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ. Thứ tư, cần có hướng dẫn cụ thể ở các địa phương, tránh tình trạng việc mỗi địa phương thực hiện mỗi khác gây khó khăn cho khách du lịch tiếp cận. Thứ năm, đào tạo nhân lực – đây là khâu đột phá để giải quyết vấn đề đang đặt ra.

Có thể bạn quan tâm

  • “Chắp cánh” cho du lịch Việt

    “Chắp cánh” cho du lịch Việt

    11:58, 31/05/2022

  • Du lịch 2022: Xu hướng và chuyển đổi

    Du lịch 2022: Xu hướng và chuyển đổi

    01:00, 31/05/2022

  • Cần gói hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp hàng không và du lịch

    Cần gói hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp hàng không và du lịch

    15:30, 30/05/2022

  • Du lịch Đà Nẵng chờ Diễn đàn đường bay châu Á 2022

    Du lịch Đà Nẵng chờ Diễn đàn đường bay châu Á 2022

    03:30, 29/05/2022

LINH NGA