Xu hướng phục hồi tích cực của ngành hàng không

THY HẰNG 17/06/2022 02:30

Ngành hàng không châu Á được dự báo khôi phục mạnh mẽ hình chữ V, mang tới cơ hội cho doanh nghiệp ngành hàng không nói chung và doanh nghiệp hàng không Việt Nam nói riêng.

>>>Hàng không đồng loạt tăng chuyến đón "mùa hè vàng" 2022

IATA vừa công bố Việt Nam bất ngờ đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam đứng vị trí số 1 còn có Indonesia đứng thứ 8, Malaysia thứ 9, Philippines thứ 13 và Thái Lan đứng thứ 24.

Ngành hàng không châu Á được dự báo sẽ phục hồi hình chữ V.

Ngành hàng không châu Á được dự báo sẽ phục hồi hình chữ V.

Đà phục hồi mạnh mẽ

Theo ông Colin Currie, một quan chức cấp cao của Tập đoàn Capital A, công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ AirAsia, một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực nhận định: "Chúng ta sẽ thấy sự phục hồi hình chữ V. Chúng tôi thực sự thấy nhu cầu khách hàng muốn đi lại và chúng tôi rất lạc quan".

Theo đó, AirAsia X có trụ sở ở Malaysia và là một chi nhánh của Capital A thực hiện các chuyến bay đường dài đã thông báo sẽ tăng thêm 7 tuyến mới vào cuối năm 2022, trong đó có từ Kuala Lumpur đi London, Dubai và Istanbul.

AirAsia X hiện có 6 máy bay Airbus hoạt động và hy vọng sẽ có 15 chiếc hoạt động vào cuối năm 2022. Hãng đã phải cho dừng hoạt động các máy bay trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 và phải tái cấu trúc nợ.

Lĩnh vực hàng không của châu Á phục hồi chậm do các chính phủ duy trì các hạn chế phòng dịch như cách ly và xét nghiệm lâu hơn châu Âu và Mỹ. 

Tuy nhiên, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang dần từ bỏ các hạn chế trong những tháng gần đây và đi lại đang gia tăng trở lại. 

Với xu hướng phục hồi tích cực của thị trường và triển vọng kinh tế toàn cầu, dự báo thị trường hàng không Việt Nam trong năm nay và sang năm 2023 sẽ có những phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, các chuyên gia dự báo, với đà phục hồi mạnh mẽ các chuyến bay thương mại hậu COVID-19, hoạt động hàng không Việt Nam sẽ trở lại trạng thái bình thường vào năm 2024.

Thậm chí, theo công bố vừa được IATA đưa ra, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam đứng vị trí số 1 còn có Indonesia đứng thứ 8, Malaysia thứ 9, Philippines thứ 13 và Thái Lan đứng thứ 24.

Trên thực tế, với việc Chính phủ dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 dự kiến đạt 70-80 triệu lượt khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam, trong đó khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt và khách nội địa đạt 60 - 70 triệu lượt.

Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thậm chí còn nhận định, Việt Nam là ngôi sao đang lên trong mạng trung chuyển hàng không châu Á. 

>>>Gói hỗ trợ lãi suất 2% có cứu ngành hàng không thoát lỗ?

>>>Cần gói hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp hàng không và du lịch

Theo Cục Hàng không Việt Nam, Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) dự báo sẽ có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024, tăng 3% so năm 2019 là năm trước đại dịch COVID-19.

Việt Nam bất ngờ đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Việt Nam bất ngờ đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Đối với vận chuyển nội địa, IATA dự báo sự hồi phục sẽ đến sớm. Theo đó, so với năm 2019, lượng khách nội địa sẽ đạt 93% vào năm 2022, 103% vào năm 2023, 111% vào năm 2024 và 118% vào năm 2025. Thị trường Trung Quốc vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế đi lại nên khả năng châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực chậm chân trong quá trình phục hồi và dự báo phải đến năm 2024 mới đạt mức 97% so năm 2019.

Đối với Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu lượt hành khách vào năm 2019, giảm còn 65,3 triệu lượt hành khách vào năm 2020, giảm mạnh vào năm 2021 khi chỉ đạt 30,3 triệu hành khách.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt thách thức

Tuy nhiên, quan chức cấp cao của Tập đoàn Capital A cũng thẳng thắn đánh giá, bất chấp dấu hiệu phục hồi tại châu Á, vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là tại Trung Quốc, nơi các hạn chế vẫn duy trì trong bối cảnh Bắc Kinh kiên trì theo đuổi chiến lược "Không COVID" (Zero COVID).

Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA, sự phục hồi của lĩnh vực hàng không ở châu Á vốn đã tương đối chậm, và cách tiếp cận không Covid-19 của Bắc Kinh khiến bức tranh trở nên ảm đạm hơn. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang theo đuổi chính sách zero-Covid, với Thượng Hải và Bắc Kinh thắt chặt các hạn chế đối với kinh doanh và đi lại.

“Mặc dù tình hình đã được cải thiện vào đầu năm nay, nhưng vẫn còn một “chặng đường dài phía trước”, Tổng giám đốc IATA nhận định.

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp hàng không trong nước vượt qua thách thức, đón đà tăng trưởng, GS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Trên quan điểm công bằng và hiệu quả, hàng không, du lịch và một số ngành dịch vụ liên quan cần được coi là những ngành ưu tiên hàng đầu vay với mức lãi suất ưu đãi, thời hạn ít nhất trong 2-3 năm để vực dậy 2 ngành vốn bị ảnh hưởng nặng nhất.

Ở góc độ doanh nghiệp hàng không, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, đề xuất các sân bay cần hỗ trợ chi phí đậu đỗ, phí cất cánh, môi trường để chung tay hỗ trợ hoạt động hàng không vực dậy sau dịch, đưa Việt Nam thành điểm đến của thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng không đồng loạt tăng chuyến đón "mùa hè vàng" 2022

    03:00, 02/06/2022

  • Gói hỗ trợ lãi suất 2% có cứu ngành hàng không thoát lỗ?

    05:51, 01/06/2022

  • Cần gói hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp hàng không và du lịch

    15:30, 30/05/2022

  • Doanh nghiệp hàng không chưa thể hồi phục, đề xuất "tiếp sức"

    11:00, 05/05/2022

THY HẰNG