Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thực thi quyền con người vào chiến lược phát triển
Tôn trọng quyền con người giúp doanh nghiệp xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quản trị rủi ro về con người và trong các hoạt động kinh doanh,góp phần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
>>Nâng cao trách nhiệm tôn trọng quyền con người trong kinh doanh tại Việt Nam
Quyền con người trong hoạt động du lịch
Thực tế cho thấy, quyền con người đều có sự liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực nào, bao gồm cả ngành du lịch. Tuân thủ quyền con người trong hoạt động kinh doanh sẽ tạo nên các tác động tích cực và mang tính dài hạn tới chiến lược phát triển của doanh nghiệp cũng như đảm bảo đời sống cho người lao động tại doanh nghiệp đó. Trong bối cảnh, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid 19 thì tôn trọng quyền con người trong kinh doanh được coi là chìa khóa để doanh nghiệp có thể vực dậy nhanh chóng và tăng trưởng bền vững sau đại dịch.
Trao đổi về vấn đề này, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị-Truyền thông Saigontourist cho biết, là một trong các doanh nghiệp du lịch lữ hành hàng đầu tại Việt Nam, một trong những nguyên tắc cốt lõi của doanh nghiệp này là đảm bảo đời sống người lao động, tạo nền tảng xây dựng đội ngũ nhân sự đủ kinh nghiệm và nhiệt huyết, tham gia đóng góp và sự phát triển của Tổng công ty.
“Trước tình hình khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, Saigontourist Group đã tập trung quán triệt và triển khai chỉ đạo đến các cơ sở đơn vị, tổ chức trực thuộc về việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo, hỗ trợ tối đa về cả vật chất lẫn tinh thần cho người lao động’, đại diện Saigontourist chia sẻ thêm.
Một trọng những chiến lược xuyên suốt là không để người lao động nào mất việc do ảnh hưởng dịch bệnh trong tình hình khó khăn do thực hiện giản cách xã hội. Phát động phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động Saigontourist nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm, chiến thắng dại địch Covid”, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”. Chủ động sắp xếp lao động hợp lý, thay phiên nhau nghỉ nhưng vẫn đảm bảo tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Bà Trà khẳng định, nhờ các biện pháp quyết liệt và hiệu quả, Saigontourist vẫn duy trì được đội ngũ người lao động, nhân sự như trước đại dịch và nhanh chóng khôi phục, phát triển các hoạt động kinh doanh lữ hành.
Trên thực tế số lượng các doanh nghiệp du lịch có thể đảm bảo đời sống người lao động dựa trên thực thi, tôn trọng Quyền con người tại Việt Nam chiếm một số lượng không nhiều. Đa phần đều chưa có nhận thức, đánh giá đúng mực về tầm quan trọng cũng như cách thức thực hiện, tôn trọng Quyền con người vào chiến lược kinh doanh. Điều này dẫn đến nhiều hệ quả, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và sự phát triển trong dài hạn của doanh nghiệp.
Đánh giá thêm về vấn đề này, PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, là một trong những ngành kinh tế năng động và phát triển nhanh nhất, ngành du lịch tạo ra khoảng 10% số việc làm, góp phần bảm đảm quyền có mức sống thoả đáng, thực hiện quyền tự do đi lại, quyền nghỉ ngơi giải trí, quyền về văn hoá.
Có nhiều rủi ro về vi phạm quyền con người mà hoạt động kinh doanh của ngành du lịch cần nhận thức và giải quyết trong hoạt động và chuỗi giá trị của họ bao gồm những rủi ro liên quan đến điều kiện làm việc, tình trạng bóc lột lao động trong đó có nguy cơ về nô lệ hiện đại, rủi ro về vi phạm môi trường, tác động tiêu cực đến các cộng đồng dân cư ở địa bàn du lịch.
>>Kinh doanh có trách nhiệm và quyền con người trong ngành du lịch
Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp
Du lịch vốn được coi là ngành công nghiệp không khói với đặc trưng là mọi hoạt động đều gắn liền hoặc liên quan trực tiếp đến con người. Nói cách khác người lao động là thành phần quan trọng nhất quyết định sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch thực thi các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người, TS Hải cho rằng, trước tiên cần tránh gây ra hoặc góp phần gây ra những tác động tiêu cực, vi phạm về quyền con người trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh.
“Bản thân các doanh nghiệp cần có biện pháp để ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ hoặc trong trường hợp đã xảy ra thì giảy quyết các tác động tiêu cực về quyền con người trong hoạt động vận hành, sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và mối quan hệ kinh doanh của mình”, TS Hải phân tích.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng rà soát trách nhiệm quyền con người thông qua một số giải pháp cụ thể như xây dựng và thực hiện cam kết chính sách về quyền con người cho doanh nghiệp; Xây dựng và thực hiện quy trình rà soát về quyền con người nhằm xác định, ngăn ngừa, giảm thiểu và chịu trách nhiệm giải quyết các rủi ro và tác động tiêu cực về quyền con người trong toàn bộ chuỗi kinh doanh.
Hiện nay khuôn khổ quốc tế về kinh doanh và quyền con người cũng như quy định pháp luật của các quốc gia về vấn đề này đang ngày càng được hoàn thiện. Trong đó có thể kể đến Các nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp quốc về Kinh doanh và Quyền con người chính thức được thông qua và có hiệu lực từ năm 2011. Với vai trò là thành viên Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã và đang tuân thủ, vận động cộng đồng doanh nghiệp nói chung áp dụng các nguyên tắc nói trên vào chiến lược phát triển kinh doanh của mình.
Với mong muốn nâng cao nhận thức, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch tiếp cận sâu hơn với tôn trọng Quyền Con người, VCCI và Ủy ban Quyền Con người Úc (AHRC) đã tiến hành lồng ghép chỉ số mới về Quyền con người trong Bộ chỉ số CSI 2022. Đây được coi là một bước tiến lớn để đánh giá một cách toàn diện doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đặc biệt, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ quyền con người, Chính phủ Australia đã hỗ trợ Ủy ban quyền con người Australia và VCCI, xây dựng tài liệu “Hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm và tôn trọng quyền con người trong ngành du lịch tại Việt Nam”, nêu bật một số thách thức và vấn đề quyền con người nảy sinh trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các bước hướng dẫn thực tế dựa trên khuôn khổ và các nguyên tắc quốc tế.
Tài liệu hướng dẫn chỉ ra rằng là một doanh nghiệp có trách nhiệm có nghĩa là chấp nhận một cách hiểu khác về rủi ro, tập trung vào “rủi ro đối với con người” hơn là “rủi ro đối với doanh nghiệp”. Bên cạnh đó sự tham gia và tham vấn với các bên liên quan sẽ cho phép các doanh nghiệp có được bức tranh toàn cảnh về các rủi ro tác động đến quyền con người.
Bên cạnh đó, Chính phủ Australia cũng đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam triển khai đồng bộ các hoạt động với mục tiêu nâng cao nhận thức, áp dụng quy tắc ứng xử, tuân thủ quyền con người trong các hoạt động kinh doanh với đối tượng hướng đến bao gồm từ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ cho tới các tổng công ty, tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho biết “Chính phủ Úc rất tự hào đã ủng hộ chương trình hội nhập quốc tế rất thành công của Việt Nam, bao gồm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết WTO cũng như các cam kết mà Việt Nam đã thực hiện trong khuôn khổ CPTPP và RCEF. Những hiệp định quan trọng này đã có tác dụng chuyển đổi môi trường kinh doanh của Việt Nam và làm cho Việt Nam hấp dẫn hơn với tư cách là một điểm đến đầu tư, và trở nên cạnh tranh hơn với tư cách là một quốc gia thương mại”.
Có thể bạn quan tâm
Kinh doanh có trách nhiệm và quyền con người trong ngành du lịch
03:30, 27/06/2022
Nâng cao trách nhiệm tôn trọng quyền con người trong kinh doanh tại Việt Nam
10:32, 08/06/2022
JTI chung tay bảo vệ tôn trọng quyền con người
08:55, 07/04/2021
Bảo vệ quyền con người trong đại dịch COVID-19
11:00, 10/12/2020