Du lịch vẫn bộn bề nỗi lo
Những tháng vừa qua, du lịch đang thật sự phục hồi vượt mong đợi của doanh nghiệp và những người làm du lịch khi khắp nơi đông khách. Dù vậy, niềm vui cũng đi cùng với những nỗi lo.
>>Doanh nghiệp du lịch "tiến thoái lưỡng nan"
Thách thức thứ nhất, khi lượng khách tăng cao, du lịch đã lộ điểm yếu liên quan đến sự chuẩn bị của các điểm đến, của doanh nghiệp và cả ngành. Điểm yếu này xuất phát từ dịch bệnh kéo dài suốt gần 2 năm khiến nhân sự ngành du lịch thiếu hụt.
Đây là nguyên nhân có thể khắc phục sớm được nếu các điểm đến, doanh nghiệp du lịch hay ngành du lịch có kế hoạch bài bản để khôi phục sau thời gian "ngủ đông" vì đại dịch. Trong đó, các địa phương đang thiếu nguồn nhân lực cần liên kết với những trung tâm du lịch lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,...để hỗ trợ đào tạo về nhân sự du lịch.
Nỗi lo kế đến là, tuy khách đông nhưng phải nhìn nhận rằng có rất nhiều khách đi dạng tự túc, thay vì tour trọn gói của công ty du lịch. Điều này khiến các điểm đến khó tính toán công suất để phục vụ, tình trạng này để lộ rõ việc thiếu bền vững trong phát triển. Do đó, vấn đề cần làm ngay là doanh nghiệp du lịch phải xây dựng, thiết kế nhiều sản phẩm tour, tuyến trọn gói để hấp dẫn, kéo khách đi tour.
Trong điều kiện hiện tại, đa phần các điểm đến, điểm tham quan do nhà nước quản lý nên lại đòi hỏi bài toán về liên kết, kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp để tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn, cùng phát triển và giữ nguồn khách. Nói chung phải liên kết để tận dụng ưu thế của nhau để hấp dẫn du khách.
Bên cạnh đó, đứng trước bối cảnh bão tăng giá, toàn ngành du lịch cũng không tránh khỏi biến động. Giá vé máy bay đang ở mức "trên trời", mọi chi phí tăng cao khiến cho doanh nghiệp "buộc lòng" phải tăng giá tour.
>>Du lịch vẫn "ngóng" khách quốc tế
Chia sẻ với những nỗi lo của doanh nghiệp, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp Hội lữ hành Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách ban hành nhằm hỗ trợ vực dậy doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người lao động.
"Để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của từ Nhà nước, còn đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách". - ông Thắng chia sẻ.
Từ phía doanh nghiệp, theo ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, doanh nghiệp rất cần biết chiến lược tổng thể phục hồi của ngành du lịch trong ngắn hạn, trung và dài hạn, thay vì kích hoạt một cách hình thức, nhỏ lẻ. Doanh nghiệp du lịch đang thiếu thông tin về chiến lược của du lịch Việt Nam, thiếu thông thị trường, thiếu vốn và thiếu nhân sự.
Chủ tịch Lux Group mong các gói ưu đãi Chính phủ đã quyết định rót cho du lịch cần giải ngân sớm, khoản vay lãi suất thấp 2% cho doanh nghiệp du lịch cần triển khai đúng và trúng, nhân sự cũng cần được hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại. Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp còn cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có những kế hoạch tích cực trong việc mở cửa du lịch trở lại, việc các công ty lữ hành buộc phải xây dựng giá tour cao theo giá xăng dầu sẽ khiến chúng ta mất lợi thế điểm đến quốc gia.
Cùng với đó, lúc này, ngành du lịch cần tập trung nguồn lực quảng bá, xúc tiến để thu hút khách quốc tế vào, thay thế một phần lượng khách trong nước không còn sôi động sau dịp hè.
Với những tiềm năng, lợi thế, thiên nhiên ưu đãi vốn có, nếu làm du lịch bài bản, định vị là một điểm đến du lịch bền vững, thì không chỉ nội địa mà cả khách quốc tế sẽ luôn "bùng nổ" ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp du lịch "tiến thoái lưỡng nan"
04:15, 06/07/2022
Hà Nội cần cơ chế giúp du lịch MICE “cất cánh”
20:50, 05/07/2022
Du lịch vẫn "ngóng" khách quốc tế
04:00, 05/07/2022
Cẩn trọng với "bẫy du lịch" ở trời Âu
04:15, 04/07/2022
“Chắp cánh” cho du lịch Việt
04:00, 03/07/2022