Du lịch quốc tế chưa "bắt kịp" đà phục hồi của du lịch nội địa

MINH CHÂU 09/08/2022 03:00

Sau 3 tháng mở cửa, du lịch nội địa đã khởi sắc nhưng ngược lại, du lịch quốc tế lại tăng rất chậm. Do đó, việc phục hồi và phát triển du lịch quốc tế là yêu cầu cấp bách hiện nay.

>>Cấp thiết gỡ vướng cho du lịch

Trong 2 ngày 8 - 9/8/2022, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp du lịch cả nước tổ chức sự kiện “Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam” tại Hội trường Dinh Thống Nhất tại TP.HCM.

Lượng khách quốc tế tăng rất chậm sau 6 tháng đầu năm

Theo Ban tổ chức, sau 3 tháng, du lịch nội địa đã khởi sắc, lượng khách tăng nhanh, đảm bảo chỉ tiêu năm 2022 vượt qua năm 2019. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế lại tăng rất chậm, đến hết tháng 6 năm 2022 mới đạt 600.000 lượt, chiếm 12% kế hoạch năm 2022 (5 triệu lượt). Như vậy, nếu không có các hoạt động quyết liệt, khả năng hoàn thành kế hoạch thu hút 5 triệu khách sẽ rất khó khăn.

Việc phục hồi và phát triển du lịch quốc tế là yêu cầu cấp bách hiện nay. Vì vậy, sự kiện là cơ hội để phát huy hiệu quả hợp tác giữa Hiệp hội du lịch các tỉnh thành, là cơ hội kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp tham gia gian hàng tại sự kiện B2B và B2C. Ngoài ra, sự kiện còn giới thiệu đến khách tham quan sản phẩm, dịch vụ mới, chất lượng - giá hợp lý, nâng cao hiệu quả quảng bá...

 sự kiện “Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM.

Sự kiện “Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM.

Tại sự kiện, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group cho rằng, nếu chưa phục hồi du lịch quốc tế thì chưa thể phục hồi doanh nghiệp Việt Nam. Chưa phục hồi du lịch Việt Nam thì chưa thể phục hồi hoàn toàn kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sau dịch.

Theo ông Tài, trong thời gian còn lại của năm 2022, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng kế hoạch tập trung đẩy mạnh các sự kiện kết nối, quảng bá sản phẩm tới thi trường du lịch quốc tế có tiềm năng như Mỹ, Ấn Độ, Úc, ASEAN… Đồng thời khảo sát nghiên cứu thị trường nhu cầu, thị hiếu khách hàng đặc biệt trong thời gian sau đại dịch.

"Như toàn ngành du lịch trên thế giới, du lịch Việt Nam chỉ hoàn toàn phục hồi khi du lịch quốc tế được phục hồi, khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ", ông Tài nói.

Tại đây, các đơn vị dịch vụ lần lượt giới thiệu thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc trưng của mình để chào bán với đối tác quốc tế hoặc trao đổi để định hướng sản phẩm du lịch mới, đảm bảo an toàn cho du khách khi trải nghiệm. Các gian hàng cũng đưa ra nhiều ưu đãi, quà tặng hấp dẫn cho khách hàng khi mua tour, mang đến tour trong nước và quốc tế chất lượng theo nhu cầu du lịch của thị trường hiện nay.

Theo Ban tổ chức, với 120 gian hàng từ các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, hàng không, vận chuyển, điểm đến, dịch vụ từ các tỉnh thành… sự kiện dự kiến thu hút hơn 1000 lượt khách tham quan.

Ngoài hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, dịch vụ..., Dinh Thống Nhất Lập sẽ mở cửa miễn phí cho người dân tham quan, tìm hiểu và mua tour nhằm kích cầu và phát triển thị trường du lịch.

>>Du lịch Việt Nam cần được định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn

Sự kiện có sự tham gia của 120 gian hàng là các doanh nghiệp

Sự kiện có sự tham gia của 120 gian hàng là các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, hàng không, vận chuyển, điểm đến, dịch vụ từ các tỉnh thành…

Du lịch Việt cần xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, chỉ trong 6 tháng đầu năm, khách nội địa đã vượt mục tiêu cả năm và thậm chí có thể vượt cả giai đoạn đỉnh cao năm 2019. “Thế nhưng ngành du lịch gồm ba trụ cột là nội địa, outbound (khách đi nước ngoài) và inbound (đón khách quốc tế), trong đó nội địa thường chỉ chiếm khoảng 30%. Do đó, thời điểm này chúng ta mới phục hồi chứ du lịch chưa phát triển”, ông Bình nói.

Để phát triển ngành kinh tế không khói, cốt lõi vẫn là thu hút khách quốc tế đến và phát triển đều ở cả ba trụ cột. Ông Vũ Thế Bình đặt vấn đề trong 6 tháng đầu năm, cả nước chỉ đón khoảng 600.000 lượt khách trong khi mục tiêu cả năm là 5 triệu lượt khách. “Trách nhiệm của DN và ngành du lịch là làm sao kéo được khách đến vượt mức kế hoạch. Tuy nhiên, DN không thể nỗ lực một mình mà cần sự hỗ trợ, vào cuộc của tất cả cấp ngành, địa phương”, ông Vũ Thế Bình đề xuất.

Bên cạnh đó, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, để đẩy mạnh thu hút du khách quốc tế, chúng ta cần xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia, quảng bá thương hiêu du lịch Việt Nam với sự tham gia của cả Chính phủ, ngành Du lịch, các Bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của người dân.

"Tuy vậy, chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài cần được xây dựng bài bản và chuyên nghiệp bằng cách áp dụng công nghệ số cũng như tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam ở bất kỳ đâu trên thế giới." - Ông Phạm Duy Nghĩa chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi nghiệp từ du lịch xanh

    04:11, 06/08/2022

  • Cấp thiết gỡ vướng cho du lịch

    01:00, 06/08/2022

  • Du lịch Việt Nam cần được định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn

    21:00, 04/08/2022

  • “Sóng” du lịch, kéo sóng bất động sản Phú Quốc

    10:55, 03/08/2022

MINH CHÂU