Phát triển du lịch golf thành sản phẩm thế mạnh của Việt Nam
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "Du lịch golf sẽ là một sản phẩm thế mạnh mà Việt Nam tập trung khai thác, đẩy mạnh."
>>Sản phẩm sát nhu cầu khách quốc tế
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh: "Du lịch gắn với chơi golf là một trong những sản phẩm được Việt Nam quan tâm, đẩy mạnh quảng bá trong thời gian gần đây. Bộ VHTTDL cũng đã bổ nhiệm huyền thoại golf Greg Norman (người Úc) làm Đại sứ du lịch của Việt Nam. Đại sứ đã đồng hành, hỗ trợ Tổng cục Du lịch xây dựng các đoạn phim ngắn giới thiệu du lịch golf Việt rất ấn tượng và hiệu quả”.
Khuyến khích và tạo điều kiện quảng bá
Tổng cục Du lịch cũng đã phối hợp với Hiệp hội Golf Việt Nam và các địa phương mạnh về du lịch golf tổ chức các giải golf chuyên nghiệp và phong trào nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch golf.
Bên cạnh số lượng sân golf được đầu tư, đưa vào khai thác ngày càng nhiều thì trong những năm gần đây, nhu cầu học golf và người chơi golf thường xuyên cũng tăng rất nhanh. Giải thưởng Vietnam Golf & Leisure Awards có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phong trào golf phát triển bền vững, tạo động lực cho các golfer thể hiện tài năng, phát triển ngành công nghiệp golf. Giải thưởng góp phần thu hút nhà đầu tư và khách du lịch đến với Việt Nam.
Các golfer không chỉ lên sân để chơi golf đơn thuần mà còn muốn kết hợp cùng các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá những địa danh, thắng cảnh xung quanh. Vì vậy việc vinh danh các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan như khách sạn, resort, hãng hàng không,… là rất cần thiết.
>>Phục hồi du lịch quốc tế bằng cách nào?
Ngoài việc phục vụ chơi golf, nhiều sân golf còn kết hợp với dịch vụ nghỉ dưỡng như: resort, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe như spa, trở thành sự lựa chọn lí tưởng cho các golfer. Bên cạnh đó, vị trí địa lý của các sân golf tại Việt Nam cũng đáp ứng được tối đa nhu cầu của người chơi. Các golfer có thể lựa chọn những sân golf ở nội thành để tiết kiệm thời gian di chuyển hoặc các sân ở xa hơn để vừa chơi golf vừa kết hợp thăm thú, nghỉ dưỡng. Chi phí hợp lý cũng là một yếu tố thu hút golfer cả trong và ngoài nước đến với các sân golf của Việt Nam. Với những lợi thế đang nắm giữ, thị trường golf tại Việt Nam được dự báo sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, khách tham gia du lịch golf thường đến và quay lại nhiều lần. Du khách tham gia du lịch golf không chỉ chơi golf mà còn có nhu cầu trải nghiệm du lịch tại điểm đến. Ngoài mức phí để chơi golf, họ còn chi trả cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng đẳng cấp… Vì thế, phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.
Tổng cục Du lịch luôn khuyến khích và tạo điều kiện quảng bá, phát triển loại hình du lịch này. Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch golf tới du khách trong và ngoài nước, bên cạnh đó khuyến khích, thúc đẩy liên kết trong phát triển du lịch golf, đăng cai tổ chức các giải golf tầm quốc tế, nâng cao chất lượng các tiện ích kèm theo như: nghỉ dưỡng, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…
Năm nay, Vietnam Golf & Leisure Awards 2022 sẽ vinh danh nhiều hạng mục được golfer yêu thích. Hầu hết các đơn vị được ứng cử và nhận giải là những doanh nghiệp lớn, có chỗ đứng nhất định trên thị trường, nên khi được vinh danh tại Giải thưởng cũng sẽ thu hút được sự quan tâm của đối tác, các khách hàng cũng như cộng đồng chơi golf.
Các cá nhân và tổ chức được vinh danh tại Giải thưởng Vietnam Golf & Leisure 2022 như: các khách sạn, resort, hãng hàng không,… cũng sẽ có cơ hội được quảng bá thương hiệu, tăng cường thu hút số lượng lớn khách hàng là những người yêu thích bộ môn golf trong nước và quốc tế. Giải thưởng cũng góp phần tạo động lực giúp du lịch golf nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung ngày càng phát triển.
Kết nối hợp tác giữa các sân golf và doanh nghiệp lữ hành
Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là thiên đường golf lý tưởng của khu vực châu Á với địa hình đa dạng, bờ biển dài với những bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới, đồi núi, cảnh quan hùng vĩ, khí hậu nhiệt đới, ánh nắng chan hòa hầu như quanh năm. Đây là những điều kiện thuận lợi để đầu tư, phát triển sân golf và loại hình du lịch golf.
>>Liên kết giữa du lịch và văn hóa
Phát triển du lịch golf giúp quảng bá vẻ đẹp và tiềm năng du lịch Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, sự liên kết giữa những đơn vị quản lý sân golf với các công ty lữ hành vẫn lỏng lẻo nên chưa có những sản phẩm du lịch golf đặc sắc. Du khách quốc tế còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về các tour du lịch gắn với loại hình thể thao này.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các sân golf tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh giao lưu, kết nối giữa các câu lạc bộ golf, từ đó mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm. Tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại những thị trường mục tiêu có nhiều khách du lịch golf như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Bắc Mỹ,…
Việt Nam có nhiều sân golf tốt cùng tiện ích và dịch vụ du lịch kèm theo chất lượng cao, sang trọng đã gây ấn tượng mạnh cho các golfer trong nước và quốc tế. Có thể kể đến như: sân Sky Lake Resort & Golf Club (Hà Nội), Hoiana Shores (Quảng Nam), Laguna Lăng Cô Club (Huế), Montgomerie Link (Đà Nẵng), Nova World Phan Thiết (Bình Thuận), The Bluffs Hồ Tràm (Bà Rịa- Vũng Tàu), FLC Golf Club Ha Long (Quảng Ninh), Chí Linh Star Golf & Country Club (Hải Dương), Phoenix Golf Resort (Hòa Bình), DaLat Palace Golf (Đà Lạt, Lâm Đồng), Sân golf Long Thành (Thành phố Hồ Chí Minh), Sông Bé Golf Resort (Lái Thiêu, Bình Dương)…
Thống kê mới nhất từ R&A và National Golf Foundation cho thấy, số lượng người chơi golf ở Việt Nam đạt khoảng 100.000 người; có gần 100 sân golf ở Việt Nam, trong đó có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế.
Theo Hiệp hội các Tổ chức Du lịch Golf Quốc tế (IAGTO), hiện có trên 60 triệu người chơi golf trên thế giới. Mục đích đi du lịch golf đứng thứ 3 về động cơ du lịch trong khu vực châu Á. Toàn cầu hiện có khoảng 700 công ty du lịch golf thuộc 61 quốc gia là thành viên của IAGTO, mỗi năm thực hiện khoảng 2,5 tỉ USD hợp đồng cung cấp dịch vụ, phục vụ khoảng 1,9 triệu người chơi golf.
Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều giải thưởng về golf, trong đó có các giải thưởng: Điểm đến Golf Tốt nhất châu Á liên tục 4 năm 2018, 2019, 2020 và 2021 bởi Tổ chức Giải thưởng golf thế giới (WGA); Điểm đến Golf tốt nhất thế giới năm 2019 và 2021 bởi WGA.
Có thể bạn quan tâm
9-14/10: Việt Nam đăng cai tổ chức trực tiếp Diễn đàn Du lịch Mekong 2022
03:00, 14/08/2022
Tổng Cục Du lịch ra mắt cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số
03:00, 12/08/2022
THỦ TƯỚNG VÀ DOANH NGHIỆP 2022: Doanh nghiệp du lịch chịu sức ép tài chính, gói hỗ trợ không hiệu quả
11:56, 11/08/2022
Tháo điểm nghẽn về nguồn nhân lực cho doanh nghiệp du lịch
03:00, 11/08/2022
Ngành du lịch không chỉ chạy theo số lượng khách
15:12, 10/08/2022
Phục hồi du lịch quốc tế bằng cách nào?
04:00, 10/08/2022