"Cà phê đường tàu": Từ góc nhìn du lịch
Để có được một sản phẩm du lịch như mô hình cà phê đường tàu tại Hà Nội vốn đã khó, nhưng rõ ràng, để quản lý đảm bảo hài hoà lợi ích và đúng quy định pháp luật càng khó hơn.
>>"Việt Nam diệu kỳ" có tất cả và "rẻ bất ngờ"
Mấy ngày vừa qua, câu chuyện đóng cửa “phố cà phê đường tàu”- một trong những điểm “check in” hấp dẫn của du khách khi tới Hà Nội khiến nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối, nhất là du khách nước ngoài.
Liên quan đến việc siết chặt quản lý mô hình này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho rằng: Những hành vi đi lại, thậm chí nằm trên đường ray để chụp ảnh không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn là hình ảnh xấu, ảnh hưởng quá trình tuyên truyền pháp luật.
Hiện, UBND phường Hàng Bông đã phối hợp với các phường có đường sắt đi qua thành lập tổ công tác chung nhằm rà soát toàn bộ quán “cà phê đường tàu” trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết dừng kinh doanh vì sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của chính người dân, du khách. Lực lượng chức năng sẽ làm việc 3 ca để tránh tình trạng các cửa hàng mở bán sai quy định.
>>Hà Nội ưu tiên phát triển loại hình du lịch homestay
Theo ông Trần Cao Thắng, Trưởng ban An ninh - An toàn Giao thông Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), muốn giữ loại hình kinh doanh này, cần thành lập một một ban quản lý; thường xuyên phân công cử người cầm còi, phất cờ báo hiệu cảnh giới khách giữ cự ly an toàn. Bên cạnh đó cần sự phối hợp thông tin giữa nhà ga và khu phố để thông tin giờ tàu chạy; có sự quản lý giám sát chặt chẽ của chính quyền sở tại. Và đặc biệt là luôn rà soát các quán cà phê không đủ điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách, không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và chấp hành không tốt quy định về kinh doanh để chấn chỉnh kịp thời.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, VNR chính là đơn vị gửi văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt. Đại diện của VNR khẳng định, loại hình kinh doanh này vi phạm nghiêm trọng đến hành lang an toàn đường sắt, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân, khách du lịch.
Từ phía chuyên gia du lịch, CEO Lux Group ông Phạm Hà chia sẻ, Hà Nội thật may mắn vì địa điểm tuyến "phố đường tàu" được rất nhiều du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích, là một trong những địa điểm "check in" nổi tiếng. Theo ý kiến cá nhân tôi từ góc độ người làm du lịch, chúng ta hãy cùng nhau ngồi lại và tìm biện pháp xử lý, đưa ra các quy định an toàn để vừa duy trì nét đẹp văn hoá vốn có, thu hút du lịch và vừa đảm bảo an toàn cho mọi người.
Ông Hà cho rằng, những ban bộ ngành có liên quan cùng các chính quyền địa phương, cùng các chuyên gia du lịch cần bàn luận và đưa ra các quy định chặt chẽ nhưng vẫn "mở lối" cho du lịch phục hồi và phát triển. "Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang duy trì được nét đẹp văn hoá này. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan, Đài Loan,...để không lãng phí và tận dụng, quảng bá nét đẹp của Hà Nội và tạo ra nhiều trải nghiệm sáng tạo hơn nữa cho du lịch Việt Nam." - CEO Lux Group nhấn mạnh.
Hiện nay, để có được một sản phẩm du lịch với sức thu hút khách thường xuyên như mô hình cà phê đường tàu tại Hà Nội vốn đã khó, nhưng rõ ràng, để quản lý đảm bảo hài hoà lợi ích và đúng quy định pháp luật càng khó hơn.
Có thể bạn quan tâm
Dẹp cà phê đường tàu: Thà đau một lần…
05:00, 16/09/2022
Hà Nội ưu tiên phát triển loại hình du lịch homestay
01:00, 19/09/2022
Hà Nội tạo “sân chơi” giúp nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch
16:18, 17/09/2022
Năm 2025: Hà Nội đặt mục tiêu thu hút 300 nhà đầu tư mạo hiểm và 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp
04:23, 18/09/2022
“Thuốc” nào trị “bệnh” chậm tiến độ dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội?
05:00, 15/09/2022