Tăng cường liên kết hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với trước dịch, cũng như so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. Thực tế này xuất phát từ nhiều lý do.
>>Quảng bá du lịch Việt Nam tại Thái Lan
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh vừa chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các sở quản lý du lịch về chủ đề “Liên kết xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế”.
Khách quốc tế vẫn còn khiêm tốn
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Từ khi Chính phủ có chủ trương mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch vào ngày 15/3/2022, các địa phương đã rất chủ động chuẩn bị và triển khai các hoạt động kết nối phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, tổ chức phục vụ đón khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Hoạt động du lịch cả nước đã có bước khởi sắc tích cực. 9 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đã đạt khoảng 87 triệu lượt khách, vượt xa so với kế hoạch cả năm là 60 triệu lượt; khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 400 nghìn tỷ đồng.
>>"Việt Nam diệu kỳ" có tất cả và "rẻ bất ngờ"
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng cho biết lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với trước đại dịch, cũng như so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. Thực tế này cũng xuất phát từ nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Sau mùa du lịch nội địa địa thì vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để tăng cường liên kết trong việc tạo sản phẩm mới, làm mới sản phẩm, truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường để đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Hội nghị này nhằm lắng nghe, trao đổi về kế hoạch xúc tiến quảng bá, những vướng mắc trong thu hút khách quốc tế, cũng như những đề xuất, giải pháp nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Thông tin về tình hình thị trường, lãnh đạo Vụ Thị trường du lịch cho biết hiện nay có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến dòng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, khoảng 60-70% khách quốc tế đến từ các thị trường khu vực Đông Bắc Á chưa mở cửa hoàn toàn du lịch; việc kết nối thị trường của các doanh nghiệp sau dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn; thời gian vừa qua chưa phải mùa cao điểm du lịch quốc tế; xung đột quân sự Nga – Ucraina; thiếu vắng văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài… đã làm lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng.
Cần tiếp tục khai thác các thị trường trọng điểm du lịch
Giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo Vụ Thị trường du lịch cho rằng cần tiếp tục khai thác các thị trường trọng điểm du lịch như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, đặc biệt chú trọng yếu tố chất lượng khách. Tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên, sinh thái và du lịch thành phố.
Bên cạnh đó phát huy các sản phẩm du lịch mới theo xu hướng thị trường như du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, du lịch golf… Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế theo thông điệp “Live fully in Vietnam”.
Về các hoạt động xúc tiến quảng bá cụ thể trong thời gian tới, lãnh đạo Vụ Thị trường du lịch, Vụ Lữ hành, Vụ Hợp tác quốc tế và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho biết sẽ có: Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam trong Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc; Diễn đàn Du lịch Mê Kông được tổ chức tại Quảng Nam từ ngày 9-14/10/2022; Hội nghị hợp tác du lịch song phương Việt Nam - Singapore diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 7-11/11; Hội nghị hợp tác du lịch song phương Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 16-19/11; Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Đài Loan ở Cao Hùng vào cuối tháng 10/2022.
Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã báo cáo Bộ VHTTDL trình Chính phủ về Kế hoạch tổ chức Hội nghị thu hút du lịch nước ngoài vào Việt Nam dự kiến trong tháng 10/2022 với sự chủ trì của Lãnh đạo Chính phủ, sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, dự kiến sẽ tập trung vào một số nội dung chính như chính sách tạo thuận lợi cho khách quốc tế vào Việt Nam (xuất nhập cảnh, hàng không, mở rộng thị trường…), hoạt động xúc tiến quảng bá, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, chính sách đào tạo nguồn nhân lực du lịch và chuyển đổi số trong du lịch.
Bên cạnh đó là kế hoạch quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm quốc tế và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế quan trọng như Hội chợ WTM tại London (Anh); Hội chợ Travex bên lề Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Indonesia; Hội chợ ITB tại Berlin, Đức… Các chương trình đón các đoàn famtrip, presstrip nước ngoài vào Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng số.
Tại buổi làm việc lãnh đạo sở quản lý du lịch các địa phương đã thông tin về tình hình đón khách du lịch trên địa bàn, chia sẻ khó khăn chung đến từ tình hình quốc tế. Đề xuất các giải pháp xúc tiến, quảng bá thu hút khách quốc tế và việc đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng diện miễn thị thực, kéo dài thời hạn miễn thị thực, mở cửa thị trường, xúc tiến quảng bá, nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch.
Đặc biệt, các địa phương đều thống nhất đề xuất Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát huy vai trò nhạc trưởng trong xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, để các địa phương cùng tham gia trong các hội chợ du lịch quốc tế, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài, đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế vào Việt Nam, quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế…
Có thể bạn quan tâm
Du lịch thu đông Quảng Ninh: Bước chuyển mình ấn tượng
19:56, 29/09/2022
Quảng bá du lịch Việt Nam tại Thái Lan
05:00, 29/09/2022
Gắn giá trị di sản vào phát triển du lịch Quảng Nam
02:00, 29/09/2022
Hà Nội phát triển các sản phẩm du lịch liên kết vùng
02:00, 28/09/2022