Quảng Ninh: Tàu du lịch “hồi sinh” sau đại dịch
Không còn lệnh bế quan, ngừng đón khách, từ giữa năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã cho phép các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long hoạt động đón khách trở lại trong một nỗ lực phục hồi các hoạt động du lịch.
>>>Quảng Ninh xúc tiến du lịch Nhật Bản
Thừa “lượng” thiếu “chất”?
Có mặt tại cảng tàu khách Bãi Cháy – Hạ Long vào một ngày cuối tuần tháng 9/2022, phóng viên đã không còn chứng kiến cảnh hàng trăm con tàu nối nhau trong sự vắng lặng không một bóng người như cách đây chừng 1 năm.
Thay vào đó là những đoàn khách du lịch đông nghịt nối nhau lên tàu, chỉ trong buổi sáng hàng trăm con tàu du lịch đã lướt sóng đưa du khách tham quan vịnh Hạ Long.
Chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp, ông Đinh Trung Vũ, Giám đốc Maketing, Công ty Du thuyền Hải Đăng cho biết: “Công ty có trên chục còn tàu, từ hạng sang vài trăm tỷ cho tới bình dân vài tỷ. Suốt thời gian dịch bệnh, tàu gần như năm bến. Chưa tính lãi ngân hàng chỉ riêng chi phí bến bãi, bảo dưỡng duy tu tàu hàng tháng đã lên đến khoảng 350 triệu/tháng”.
“Đó là thời điểm mà chúng tôi tưởng rằng những con tàu đã “chết”. Nhưng rất may, nhờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh với những gói hỗ trợ, những gói kích cầu du lịch cũng như sự đoàn kết quyết tâm của công ty, giờ đây chúng tôi đã có thể hoạt động trở lại”, ông Vũ nói.
Cũng như Công ty Du thuyền Hải Đăng, Công ty du thuyền Đông Dương từng có trên 200 nhân viên và chủ đơn vị đã tốn hàng trăm tỷ để đào tạo được một đội ngũ làm du lịch khá chuyên nghiệp cũng như đầu tư những du thuyền hạng sang, nghỉ đêm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách về khám phá vịnh Hạ Long cả ngày lần đêm, đặc biệt là khách quốc tế.
Nhưng rồi 2 năm đại dịch đã khiến cho đơn vị tưởng chừng có lúc buông tay. “2 năm đại dịch gần như không có khách. Nguồn thu không có, đời sống nhân viên cũng sụt giảm đáng kể. Nhưng chúng tôi hiểu, dịch bệnh đành phải chấp nhận, công ty đã cố gắng duy trì và lo toan cho nhân viên, đã có những người không trụ được đành tìm cho mình việc làm mới ổn định hơn. Nhưng tôi và một số anh em chấp nhận mọi khó khăn để tiếp tục cùng công ty vượt qua đại dịch”, anh Nguyễn Tiến Bình, thuyền trường tàu du lịch Công ty Du thuyền Đông Dương chia sẻ.
“Đúng như mong đợi, du lịch cũng đã trở lại. Chúng tôi lại tất bật với những đoàn khách ra khơi. Đã có thời điểm, đặc biệt dịp hè 2022 vừa qua, đơn vị còn quá tải không đủ tàu để chở khách”, anh Bình vui vẻ nói.
Nhưng “lượng” không thì chưa đủ mà du lịch Quảng Ninh cần sớm “chất” chở lại. Bởi thực tế, tàu du lịch trên vịnh Hạ Long hiện nay có rất nhiều loại hạng sang, nghỉ đêm. Nếu chỉ phục vụ khách trong nước với giá tham quan như tàu thông thường thì sẽ rất khó khăn. Chi phí bảo dưỡng tàu hạng sang cao hơn nhiều lần so với tàu du lịch khác.
Ông Đinh Trung Vũ, Giám đốc Maketing, Công ty Du thuyền Hải Đăng cho biết thêm: “Hầu hết tàu của chúng tôi vào dịp nghỉ lễ, ngày cuối tuần đều có lịch trở khách. Đây là tín hiệu vui, tuy nhiên hiện nay chúng ta mới đang nỗ lực phục hồi du lịch nội địa, trong khi nguồn khách quốc tế đem đến một doanh thu rất lớn cho du lịch nói chung. Vì vậy, tôi mong rằng tỉnh sẽ sớm có giải pháp thu hút khách quốc tế trở lại”.
Giải pháp phục hồi khách quốc tế
Từ nay đến cuối năm, ngành Du lịch Quảng Ninh đặt nhiều kỳ vọng vào các thị trường như Hàn Quốc, ASEAN, Đông Âu, Trung Đông... Để tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo điểm đến an toàn phục vụ du khách, ngành du lịch Quảng Ninh đang tập trung mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn khách. Đồng thời tận dụng triệt để tiềm năng du lịch 4 mùa, phát triển các loại hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, đón đầu mùa cao điểm khách quốc tế từ quý IV tới.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết: “Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, làm mới và phát triển mới các sản phẩm du lịch tạo sức hấp dẫn, mới lạ của các điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch ở một số thị trường ngoài nước có nhiều tiềm năng, triển vọng... Đặc biệt, chúng tôi sẽ làm việc với các hãng hàng không và lữ hành để mở đường bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo hình thức chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến), tổ chức chương trình khảo sát tại Quảng Ninh cho hãng lữ hành, báo chí quốc tế; đẩy mạnh hoạt động e-marketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường...”.Có thể bạn quan tâm