Vực dậy du lịch Tiểu vùng Mê Kông

TUẤN VỸ 21/10/2022 00:01

Số lượng khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế đến khu vực Tiểu vùng Mê Koong đang có xu hướng giảm mạnh. Điều này đặt ra vấn đề cần có giải pháp mạnh để vực dậy du lịch khu vực này.

 Số lượng khách du lịch đến Tiểu vùng Mê Kông đang giảm mạnh. Ảnh: TẤN CHÂU

Số lượng khách du lịch đến Tiểu vùng Mê Kông đang giảm mạnh. Ảnh: TẤN CHÂU

Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng đạt gần 74 triệu lượt. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2022, khu vực này chỉ đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế.

Kết nối các khu vực

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, các quốc gia cần suy ngẫm lại về các chính sách liên quan tới ngành du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên liên quan trong ngành cùng tham gia vào quá trình tái thiết và tăng cường kết nối giữa khu vực nhà nước - khu vực tư nhân để định hình, đảm bảo một tương lai hợp tác dài hạn, hiệu quả trong lĩnh vực du lịch khu vực Tiểu vùng Mê Kông.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), cho rằng từ những ảnh hưởng của COVID-19, du lịch trong khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng vẫn khẳng định được nhiều thế mạnh, tiềm năng đầy triển vọng cho sự khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội năng động của các nước thành viên. Do đó, các quốc gia cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp tục triển khai các dự án chung của tiểu vùng để cùng nhau phát triển thương hiệu tích cực cho điểm đến chung và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.

“Việc tăng cường sự tham gia và hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và thúc đẩy các cơ hội bình đẳng về việc làm tại địa phương là cần thiết. Trong đó, cần chú trọng hơn nữa các chương trình nâng cao năng lực và chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao kỹ năng của những người làm công tác du lịch, đặc biệt trong việc phát triển xanh, tăng trưởng bền vững”, ông Khánh nhấn mạnh.

Định hình xu thế chung

Ông Wouterus Schalken, chuyên gia cao cấp về du lịch bền vững của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, việc thúc đẩy phát triển du lịch xanh đang là xu thế chung của cả thế giới và khu vực Tiểu vùng Mê Kông. Các nước Tiểu vùng sông Mê Công cần quan tâm nhiều đến các chính sách, quy định và đầu tư để đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch,...

Trong khi đó, bà Suvimol Thanasarakij, Giám đốc điều hành của Văn phòng Điều phối du lịch Mê Kông cho rằng, việc phát triển du lịch tại các quốc gia trong vùng cần tránh lặp lại những vấn đề cố hữu của du lịch trước dịch như du lịch ào ạt. Đồng thời, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường hay tác động tiêu cực đến môi trường. Du lịch bền vững, phát triển cùng với cộng đồng địa phương cần có thêm những công cụ để thúc đầy hợp tác loại hình du lịch này giữa chính quyền, truyền thông, người dân và doanh nghiệp.

“Chúng ta phải cung cấp dịch vụ mang tính nhân văn, tương tác với khách hàng. Chúng ta nói nhiều về du lịch sáng tạo, nhưng hãy xem đây là hoạt động du lịch dựa trên di sản, bảo tồn mới phát triển bền vững. Cần chỉ cho doanh nghiệp và cộng đồng thấy được rằng bền vững sẽ tạo ra chi phí thấp, hạn chế rủi ro, cổ vũ xu hướng xây dựng xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả, tuần hoàn”, bà Suvimol chia sẻ.

TUẤN VỸ