Thế giới song song tại Thái Bình
3h sáng, đất trời vẫn còn tối đen như mực. Con đường ra biển vẫn còn một quãng rất xa nữa nhưng không thể chạy xe máy được nên chúng tôi gửi xe lại bên vệ đường.
>>Thái Bình: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm
Chặng đường gian nan để ra đến biển chỉ mới bắt đầu.
Biển Quang Lang nằm cạnh cửa sông Diêm Hộ, một nhánh sông nhỏ của sông Hồng vốn thuộc thôn Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Những ngày mùa thu này, nơi đây trở nên vô cùng nhộn nhịp bởi một lượng khách tò mò với cảnh sắc của biển khi mặt trời mọc. Với tâm thế của một người yêu du lịch, mong muốn khám phá thế giới kỳ ảo bên ngoài biển Quang Lang, chúng tôi cũng đã có mặt tại đây.
Chặng đường dài khoảng 3km đi dọc sông để ra biển lớn là quãng đường nhiều khó khăn với những đứa trẻ thành phố. Trời tối đen như mực, dựa vào ánh sáng nhập nhoạng của ánh đèn pin từ điện thoại, chúng tôi mò mẫm trong bóng tối đen đặc, lên đường. Nước dưới chân xâm xấp với bùn và cát trơn trượt nên dù đã đi đôi ủng vào vẫn có cảm giác trực ngã đến nơi. Không hiểu dũng khí nào và sức hút nào lại có thể kéo chúng tôi ra khỏi giường vào lúc 23h đêm, rồi chạy 1 mạch suốt 120km từ Hà Nội đến tận nơi này vào lúc 3h sáng. Những bước chân dò dẫm và đi thật cẩn thận, chúng tôi bước chậm chạp về phía trước. Chỉ sợ ngã oạch một cái thì quần áo lấm lem, chỉ có đi về. Đã vậy, theo lời dặn của mọi người, còn vác theo ghế, máy ảnh nên lỉnh kỉnh không ít đồ mang theo.
Trời có vẻ đã hửng dần ở phía xa xa và bây giờ không phải chỉ có hai cái bóng lủi thủi của hai đứa tôi đang đi nữa. Có tiếng nói chuyện lao xao, tiếng bước chân bì bõm phía xa xa. Bà con trong thôn đã bắt đầu ra biển đi làm. Quen với con đường, bước chân đi thật nhanh thoăn thoắt. Chẳng bù cho mấy đứa chúng tôi. Chẳng mấy chốc, khoảng cách giữa chúng tôi đã rút ngắn lại. Ai cũng mang theo rất nhiều chài lưới và đồ nghề ra biển. Thấy hai đứa chúng tôi tay xách nách mang chẳng khác gì, một bác ngư dân động viên. “Nhanh lên! Trời sắp sáng rồi! Sắp ra đến nơi rồi!” Nghe những lời đấy, chúng tôi hào hứng hẳn lên.
Khung cảnh rộng lớn và bình yên mỗi lúc một hiện ra rõ nét hơn. Chẳng mấy chốc, biển cả mênh mông đã hiện ra trước mắt.
Biển Quang Lang vốn là biển cửa sông nên nước biển đục màu phù sa. Bao năm nay, nơi này không có bóng dáng của khách du lịch. Bãi biển rộng khoảng 7km hoang sơ này là nơi nuôi sống của nhiều gia đình ngư dân trong thôn. Từ tờ mờ sáng, họ đã ra biển để bắt móng tay, cào ngao. Những cái bóng lưng đã quen với biển, trời hửng sáng cũng là lúc một ngày làm việc mới bắt đầu.
Tựa một tấm gương lớn khổng lồ phản chiếu bầu trời, mặt biển yên tĩnh khiến tấm gương ấy càng trở nên kỳ ảo. Rồi bất ngờ mặt trời lên, khung cảnh trước mắt khiến tôi thực sự choáng ngợp. Bầu trời rực hồng với những mảng mây bồng bềnh tựa chốn bồng lai và tấm gương phản chiếu khiến khung cảnh càng trở nên lộng lẫy. Đẹp quá! Bình thường chỉ ngắm biển và bình minh lộng lẫy đã đẹp lắm rồi. Giờ đây, mực nước biển hạ cực thấp chỉ như tráng một lớp mỏng, tầm mắt cá chân. Toàn bộ cảnh biển hiện lên như một tấm gương khổng lồ trong veo phản chiếu mọi cảnh vật và bầu trời. Không khí trong lành hòa cùng cơn gió mát lành, mặn mòi hương vị của biển khơi khiến mọi giác quan đều hân hoan đón nhận. Đẹp quá! Chưa bao giờ tôi nhìn thấy bình minh lộng lẫy đến nhường này.
Tôi đặt chiếc ghế xuống mặt biển và yên tĩnh ngắm nhìn vạn vật. Cảnh quan này thật đáng cho chuyến đi từ sáng sớm, đáng cho 2 tiếng đồng hồ lội bộ bì bõm qua sông. Bất giác thời gian như ngưng đọng, chỉ có mênh mang biển và trời. Đâu đó có tiếng reo vui hân hoan. Một vài bạn trẻ cũng vừa đi bộ ra được đến biển và đang bị cảnh sắc trước mắt mê hoặc. Đôi chân trần chạm xuống mặt biển mát lành, bầu trời như hòa cùng bãi biển, tạo nên đường chân trời bất tận như cách mọi người thường nhắc đến bãi biển này: “Bãi biển vô cực”. Nắng lên, mặt biển lấp lánh ánh sắc hồng của buổi bình minh.
Dưới ánh bình minh, người lao động hiện lên với vẻ đẹp bình dị, gần gũi, cần mẫn, tỉ mỉ trong công cuộc mưu sinh. Cái bóng lưng hiện rõ trên mặt biển, tấm gương tương phản một thế giới song song trên trời và dưới mặt nước. Cảnh sắc tựa một bức tranh thiên nhiên thay đổi theo từng khoảnh khắc của đất trời. Người dân Quang Lang sử dụng một ngư cụ truyền thống được tạo nên từ hai cây tre dài, xếp hình chữ V và lưới để đánh bắt tôm, cá nhỏ ở các vùng nước ven bờ. Gọng te lúc lên cao, lúc hạ xuống thấp trông như những cánh buồm no gió. Những hình ảnh lao động ngày thường vốn đã quá quen thuộc với người dân biển nhưng lại trở thành những tác phẩm tuyệt đẹp với các nhiếp ảnh gia. Vẻ đẹp của lao động, vẻ đẹp của đất trời, vẻ đẹp của con người đã tạo nên những bức tranh sống động.
Thời gian để đến với Quang Lang mất vài tiếng đồng hồ nhưng thời gian để thưởng thức cảnh sắc tuyệt đẹp của đất trời chỉ kéo dài trong khoảng nửa tiếng đồng hồ.
Nhịp thời gian trôi trên biển lặng. Rất nhanh, nắng đã lên cao và bầu trời đã xanh đã chiếm chỗ của những mảng mây hồng.
Chúng tôi đã đứng trước biển hàng giờ đồng hồ không biết chán.
Biển Thái Bình vốn không phải là địa điểm du lịch nhưng là địa điểm ấn tượng với cảnh sắc ngoạn mục có một không hai.