Giải pháp hút thị trường khách du lịch tàu biển
Quảng Ninh vừa đón đoàn khách du lịch tàu biển quốc tế trở lại. Đây là tín hiệu mới, tích cực cho sự phục hồi, mở đầu cho mùa du lịch tàu biển của Hạ Long - Quảng Ninh.
>>>Quảng Ninh: “Đòn bẩy” du lịch cộng đồng
Vừa qua, tàu Le Lapérouse (quốc tịch Pháp) đã đưa hơn 100 du khách quốc tế, chủ yếu từ thị trường Âu - Mỹ cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (TP Hạ Long) để tham quan Hạ Long - Quảng Ninh.
Tín hiệu vừa mừng vừa lo
Như vậy, sau gần 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, đây là chuyến tàu biển quốc tế đầu tiên trở lại đưa du khách quốc tế đến Hạ Long. Đây thực sự là tín hiệu mới, tích cực cho sự phục hồi, mở đầu cho mùa du lịch tàu biển - một thế mạnh du lịch của Hạ Long - Quảng Ninh.
Tuy nhiên, chuyến tàu này không chỉ ít hơn về số lượng khách mà phương thức khách đến và đi của chuyến tàu biển này cũng rất khác so với nhiều đoàn khách trước đây.
Chuyến tàu khởi hành từ Indonesia, qua Singapore đến Việt Nam và trước khi đến Hạ Long thì đã ghé qua nhiều điểm đến tại Việt Nam như Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP Hồ Chí Minh, Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Tiên Sa (Đà Nẵng), Chân Mây (Huế), Hòn La (Quảng Bình).
Được biết, chuyến tàu này giống như “trạm bus”, nghĩa là du khách thường sẽ không đi cả hành trình theo tàu mà đến/rời tàu ở những điểm đến khác nhau. Và tại điểm đến Hạ Long cũng vậy, du khách rời tàu để đón các chuyến bay về nước hoặc tiếp tục đi nước khác như Lào, Campuchia trong hành trình tham quan tam giác di sản ở 3 nước Đông Dương. Cùng với trả khách, tàu cũng tiếp tục đón 80 du khách Pháp từ sân bay Nội Bài xuống Hạ Long để tiếp tục hải trình dài ngày trở lại tham quan, khám phá những điểm đến của Việt Nam.
Như vậy, chuyến tàu biển này tương đối khác so với hình thức du lịch tàu biển trước đây khi mà Hạ Long là điểm đến và từ đây, du khách thường đi tham quan, trải nghiệm trên bờ, sau đó lại trở về tàu vào buổi tối. Số lượng khách cũng khá ít, chỉ có hơn 100 khách so với con số hàng nghìn khách của những con tàu lớn trước đây thường đến với Hạ Long.
Đại diện của hãng lữ hành Asean cho biết, hiện sân bay Vân Đồn chưa có các chuyến bay quốc tế nên khách không nghỉ lại Quảng Ninh mà phải trở về Hà Nội ngay để kịp giờ bay theo lịch trình. Tương tự như vậy, khách chờ tàu cũng thường nghỉ ở Hà Nội rồi mới xuống cảng tại Hạ Long (Quảng Ninh) để lên tàu luôn. Đây cũng là điểm hạn chế và cần có sự vào cuộc của nhiều bên để giải quyết vấn đề đường bay quốc tế đến sân bay Vân Đồn, nhất là khi thị trường khách Tây Âu - Bắc Mỹ hiện nay chủ yếu đi theo tam giác di sản Việt Nam (với Vịnh Hạ Long, Hội An…) - Lào (Luông Prabang) - Campuchia (Xiêm Riệp). Nhưng muốn làm được việc đó thuận lợi hơn thì cần phải có đường bay thẳng.
Hội nghị chuyên đề của EATOF 17 được tổ chức tại Quảng Ninh cuối tháng 10 vừa qua cũng bàn về việc đó. Để tháo gỡ vấn đề này thiết nghĩ không chỉ là câu chuyện giữa hai ngành du lịch - hàng không, không phải câu chuyện của một tỉnh, một địa phương mà phải là câu chuyện 2 đầu điểm đi - điểm đến, là vấn đề rộng hơn ở tầm quốc gia (?).
Trở lại với hình thức “trạm bus” của Hạ Long như đã nói trên, theo đánh giá của những người làm du lịch thì đây là một cách làm linh hoạt của hãng tàu biển để phục vụ nhu cầu du khách quốc tế hiện nay, khi mà du khách không muốn ngồi trên tàu quá dài ngày.
Thêm nữa, hiện nay Trung Quốc vẫn đang đóng cửa thực hiện chính sách “zero COVID” thì các hãng tàu biển đang đặt vấn đề về việc chuyển Hạ Long thành điểm trung chuyển vệ tinh, tương tự và tạm thời thay thế cho Hong Kong. Đây là cơ hội đáng mong đợi nếu như Quảng Ninh tranh thủ tốt và có sự chuẩn bị sẵn sàng. Điều này một lần nữa lại khẳng định vị trí địa lý thuận lợi cho du lịch tàu biển ở Quảng Ninh.
Và kỳ vọng...
Được biết, Vịnh Hạ Long nằm trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng của châu Á, phù hợp với lộ trình kết nối các tuyến du lịch tàu biển trong khu vực và thế giới, đặc biệt gần với Trung Quốc, nơi có rất nhiều hãng tàu quốc tế đưa khách du lịch đến, sau đó tiếp tục đi đến các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Hạ Long cũng là điểm gần nhất đến những thị trường Bắc Á khác như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... nên càng có điều kiện để thu hút du khách...
Theo lãnh đạo Công ty du thuyền Quảng Ninh: Du khách đi du lịch theo đường tàu biển không phải ngồi tàu quá lâu. Đây là một trong những nguyên do để du lịch tàu biển đã sớm xuất hiện ở Quảng Ninh vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Và trước khi dịch COVID-19 bùng phát, thị trường khách du lịch tàu biển tại Quảng Ninh khá sôi động, với khoảng 100 chuyến tàu biển đưa khách đến Hạ Long hàng năm.
Còn giờ đây, khách du lịch tàu biển cũng có lựa chọn đa dạng hơn, cùng với xu hướng truyền thống thì họ cũng thay đổi, lựa chọn các phương tiện di chuyển linh hoạt hơn (gồm cả tàu biển, máy bay, ô tô), vì vậy họ không chọn hành trình dài theo tàu mà thường chỉ đi theo chặng. Và Hạ Long có thể là điểm đầu hoặc điểm cuối của hành trình giống như chuyến tàu Le Lapérouse kể trên.
Quảng Ninh có lợi thế đáng kể là sở hữu nhiều cảng có thể đón khách tàu biển, trong đó có Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam, đã đi vào hoạt động từ năm 2018. Theo đánh giá, mặc dù Cảng chưa thể hiện đại, rộng lớn được như cảng khách tàu biển ở Hồng Kông (cảng trung chuyển khách tàu biển nổi tiếng thế giới) nhưng bù lại, tàu neo ngay tại khu vực ven bờ di sản thế giới Vịnh Hạ Long. Với những tàu nhỏ như tàu Le Lapérouse có thể trực tiếp đưa du khách tham quan Vịnh Hạ Long trong quãng thời gian nhất định. Còn với tàu lớn hơn, du khách cũng chỉ cần di chuyển rất ngắn là tới điểm đưa du khách tham quan di sản.
Thêm nữa, Cảng nằm giữa trung tâm du lịch Hạ Long, khách tàu biển có thể dễ dàng kết nối với các điểm tham quan trong thành phố cũng như mua sắm, sử dụng những dịch vụ vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, những điểm đến phụ cận Hạ Long hấp dẫn để du khách có thể tham quan, trải nghiệm trong ngày cũng khá thuận tiện, như Yên Tử, Onsen Quang Hanh, Bình Liêu hay thậm chí đi cao tốc tới Hà Nội rất nhanh.
Theo ông Phạm Văn Hiệp - Giám đốc điều hành vùng Đông Bắc Tập đoàn Sun Group, để chào đón những vị khách tàu biển quốc tế đầu tiên đến Quảng Ninh sau đại dịch, đơn vị đã bố trí thêm các bãi đỗ xe ngay tại cầu cảng, hệ thống xe điện di chuyển cự ly ngắn, có thể đón khách ngay khi khách rời tàu để đưa khách đến các điểm du lịch. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực làm việc với các hãng tàu lớn, cung cấp các dịch vụ du lịch đa dạng, các chính sách hấp dẫn để đón khách quốc tế tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Để tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế, ngành du lịch Quảng Ninh đang tập trung mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn khách. Đồng thời tận dụng triệt để tiềm năng du lịch 4 mùa, phát triển các loại hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, đón đầu mùa cao điểm khách quốc tế từ quý IV. Sở Du lịch khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng, làm mới và phát triển mới các sản phẩm du lịch tạo sức hấp dẫn, mới lạ của các điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ; nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch ở một số thị trường ngoài nước có nhiều tiềm năng, triển vọng.
Đặc biệt, đơn vị sẽ làm việc với các hãng hàng không và lữ hành để mở đường bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo hình thức chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến), tổ chức chương trình khảo sát tại Quảng Ninh cho hãng lữ hành, báo chí quốc tế; đẩy mạnh hoạt động e-marketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường.
Có thể bạn quan tâm