Khai thác thị trường du lịch nước ngoài
Bên cạnh xây dựng các sản phẩm du lịch nội địa, các đơn vị kinh doanh du lịch đã “tung” ra thị trường nhiều sản phẩm hấp dẫn để đưa du khách đi du lịch nước ngoài vào dịp cuối năm này.
>>>"Hội An - Sắc màu của lụa" tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương
>>>Áo dài - "Đại sứ du lịch" của Việt Nam
Phục hồi
Đại dịch COVID-19 lan rộng đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại lớn nhất, đặc biệt là thị trường du lịch quốc tế gần như đã rơi vào tình trạng “đóng băng”. Tuy nhiên, ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, các quốc gia đã lần lượt mở cửa trở lại.
Tại Việt Nam, ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Việt Nam mở cửa lại du lịch hoàn toàn, lượng khách mua tour du lịch đi nước ngoài (outbound) cũng tăng trưởng trở lại. Trong đó, du khách chủ yếu lựa chọn các thị trường du lịch như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc hay Nhật Bản… Bên cạnh đó, các tour Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông cũng được du khách lựa chọn là điểm đến.
Mới đây, Công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du lịch và khách sạn Outbox (Outbox Company) cũng đã công bố báo cáo về “Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam 2022”. Theo đó, tại Việt Nam, thị trường du lịch outbound đã phục hồi nhanh hơn dự báo trước đó. Thậm chí, dù bị gián đoạn bởi đại dịch, nhu cầu kết nối lại của du khách Việt với thị trường du lịch nước ngoài không vì thế giảm đi mà hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong giai đoạn hậu COVID.
Theo Outbox Company cho biết, theo khảo sát thì có đến 69,25% khách outbound Việt coi việc du lịch nước ngoài là sở thích và hoạt động thường xuyên. 57% khách outbound Việt cho biết họ phải đi du lịch sau thời gian bị kìm hãm vì giãn cách quá lâu.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Việt Anh – Đại diện trang du lịch Bay Nhé cho biết, hiện nhu cầu du lịch nước ngoài của du khách đang tăng mạnh. Một số thị trường có dịch vụ tốt, mức giá hợp lý đang và sẽ được du khách lựa chọn nhiều từ nay đến cuối năm là Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
>>>Quảng Ninh: Xây dựng “đường sách, phố sách” thành sản phẩm du lịch
Anh Vũ Thế Anh – Du khách Việt vừa trở về từ Hàn Quốc cho biết: “Ngay khi có tin Hàn Quốc mở cửa trở lại, mình đã lên kế hoạch thăm lại xứ Kimchi sau hơn 2 năm lỡ hẹn bởi đại dịch. Hàn Quốc những ngày này đang vô cùng đẹp bởi cảnh sắc mùa thu rất nên thơ, trữ tình. Những cảnh tượng thiên nhiên xinh đẹp mà mình chỉ thấy trên phim này thì nay đã được trực tiếp chứng kiến. Người dân Hàn Quốc cũng đang dần trở lại cuộc sống bình thường sau thời gian dài đóng cửa do giãn cách xã hội nên các địa điểm vui chơi, du lịch nổi tiếng như Myeongdong, Insadong, Gyeongbokgung... cũng đã dần dần nhộn nhịp trở lại. Bạn có thể bắt gặp khách du lịch quốc tế, trong đó có cả Việt Nam ở khắp mọi nơi trên đường phố”.
Đón đầu nhu cầu du lịch
Thực tế, để phát triển du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ cần phải đề cập đến cả du lịch nội địa và du lịch nước ngoài. Qua đợt cao điểm du lịch hè, càng về cuối năm các công ty du lịch càng tập trung khai thác thị trường du lịch quốc tế.
Theo đại diện Công ty cổ phần du lịch quốc tế Anpha cho biết, để phục vụ nhu cầu của du khách đi du lịch nước ngoài, hiện, công ty xây dựng các tour du lịch vào dịp Giáng Sinh đi Đài Loan 5 ngày 4 đêm với mức giá là khoảng 11.999.000 đồng; chùm tour đón Tết Âm lịch tại Nhật Bản từ 5 ngày 4 đêm đến 6 ngày 5 đêm với giá khoảng 32.500.000 đồng đến 38.500.000 đồng.
Còn theo đại diện công ty Vietravel chi nhánh Hải Phòng cho biết, hiện công ty đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến mãi, trong đó, đáng chú ý là chương trình khuyến mãi chào Xuân, chính thức mở từ 14/11 với nhiều quà tặng đi kèm hay giảm giá trực tiếp lên sản phẩm. Ngoài ra, công ty đưa ra các sản phẩm khuyến mãi chào mừng hành trình bay quốc tế đầu tiên của Vietravel Airlines với tuyến Thái Lan.
Dịp cuối năm là thời điểm thị trường lữ hành có sự phát triển tốt, đặc biệt là lượng khách Việt đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, để ngành du lịch phát triển bền vững, đối với các tour du lịch đi nước ngoài, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, lữ hành cần có sự liên kết chặt chẽ để đảm bảo sự ổn định, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến trải nghiệm đầy thú vị cho du khách. Đặc biệt, không vì giảm giá sản phẩm mà giảm chất lượng tour.
Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch outbound là nội dung quan trọng trong công tác quản lý du lịch. Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm như thế nào để cho người dân đi du lịch an toàn, văn minh, lành mạnh. Từ việc cung cấp thông tin, quản lý du lịch outbound để khách người Việt Nam đi du lịch được bảo đảm an toàn, bảo đảm về chất lượng dịch vụ du lịch… Muốn trở thành cường quốc du lịch thì phải quan tâm, chăm lo được cho du lịch outbound.
Còn theo ông Phạm Việt Anh cho biết: Du khách Việt khi đi du lịch nước ngoài cũng cần phải ứng xử văn minh, thanh lịch ở nơi công cộng. Về phía nhà nước cần có chế tài xử lý nghiêm tình trạng trục lợi du lịch để đưa người lao động ra nước ngoài trái phép. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh, con người và du lịch Việt Nam ra thế giới.
Có thể bạn quan tâm