Du lịch Kiên Giang xây dựng chiến lược tăng tốc và bền vững

Huy Thịnh thực hiện 30/11/2022 11:00

Hiện nay tỉnh Kiên Giang đang đẩy mạnh hoạt động phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và doanh nghiệp.

>>Kiên Giang hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch

Sắp kết thúc năm 2022, bà Nguyễn Duy Linh Thảo – Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, theo lũy kế 11 tháng đầu năm 2022,  tỉnh Kiên  Giang đón gần 7,05 triệu lượt du khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 9.668 tỉ đồng, vượt 24,8% chỉ tiêu đề ra.

- Bà có thể nói rõ hơn về những tín hiệu tích cực mà ngành du lịch Kiên Giang đã gặt hái được, thời gian qua?

Trong tháng 11/2022, Kiên Giang ước đón trên 452.400 lượt khách, trong đó có trên 29.600 lượt khách quốc tế. Lũy kế 11 tháng đón gần 7,05 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế dạt 194,5 ngàn lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 9.668 tỉ đồng. Đến nay sân bay Quốc tế Phú Quốc mỗi ngày có hàng chục chuyến bay trong nước kết nối với các vùng miền.

Từ năm 2016 đến năm 2022, du lịch Kiên Giang đã có bước phát triển khá nhanh, đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉnh đã đón trên 41,7 triệu lượt khách, trong đó có trên 2,3 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 73 ngàn tỉ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển nhanh về số lượng, tập trung ở các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh như thành phố Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên. Tính đến tháng 8/2022 toàn tỉnh có gần 900 cơ sở lưu trú với hơn 31.000 phòng. Trong đó hạng 1-3 sao có 30 cơ sở với gần 1.900 phòng, hạng 4-5 sao có 22 cơ sở với hơn 10.000 phòng đáp ứng khá tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Riêng với lực lượng làm du lịch chuyên nghiệp, tỉnh Kiên Giang có tới 68 doanh nghiệp được cấp phép với 29 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 33 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 6 chi nhánh, văn phòng đại diện, đáp ứng cơ bản nhu cầu du khách quốc tế đến Kiên Giang và tổ chức đưa khách đi du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, tỉnh còn thu hút hơn 300 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư gần 360.000 tỉ đồng. Có 72 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng, 87 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 180.000 tỉ đồng...

- Những nhân tố nào giúp lượng du khách tăng cao như vậy, thưa bà?

Hiện nay tỉnh Kiên Giang đang đẩy mạnh hoạt động phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và doanh nghiệp. Theo đó tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện các Đề án: Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030; Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030; Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030. Từ đó tạo nên sự phong phú hấp dẫn các sản phẩm du lịch, kích thích thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển như OCOP,công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản địa phương… và giải quyết việc làm cũng như và tạo sinh kế cho người dân địa phương.

- Để tăng trưởng bền vững Du lịch Kiên Giang và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính quyền tỉnh Kiên Giang còn nhiều việc phải làm, thưa bà?

>>Kiên Giang: Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng

 Chợ đêm Phú Quốc - điểm đến hấp dẫn đi du lịch đảo ngọc.

Chợ đêm Phú Quốc - điểm đến hấp dẫn đi du lịch đảo ngọc.

Ngành du lịch đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như: một số nơi phát triển du lịch chưa sát với thực tế, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế vốn có, loại hình, sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tuy có được chú trọng nhưng hiệu quả sử dụng còn thấp... Khắc phục những tồn tại này, tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Kiên Giang.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các mục tiêu, định hướng phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của ngành, của từng cấp, của địa phương, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, linh hoạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Trong năm 2022 tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tổng cục Du lịch đón các đoàn Famtrip và Presstrip của Mỹ, Hongkong, Thái Lan đến các điểm du lịch trên đảo Phú Quốc, qua đó xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương. Tiếp tục xúc tiến và hỗ trợ kết nối đường bay mới đến Phú Quốc và làm việc với các đoàn khảo sát hãng hàng không quốc tế...tranh thủ mở thêm các tuyến đường bay quốc tế, kết nối du lịch đến với Phú Quốc và Kiên Giang. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (cụm phía Tây ĐBSCL gồm 7 tỉnh, thành) và các vùng du lịch trọng điểm trong nước (Hà Nội, TP HCM) được đẩy mạnh.

- Xin cảm ơn bà !

Có thể nói vị trí, vai trò và tỉ trọng ngành du lịch đã chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của của tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên các đơn vị, địa phương cần điều chỉnh, bổ sung việc cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng của địa phương, đơn vị…Từng bước góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và kích cầu, phục hồi du lịch nội địa, gắn với các hoạt động du lịch quốc tế, tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ…Tất cả nhằm tạo diện mạo mới, hình ảnh thương hiệu du lịch Kiên Giang trong khu vực và thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Giậm đà để du lịch Kiên Giang cất cánh

    Giậm đà để du lịch Kiên Giang cất cánh

    03:00, 27/10/2022

  • Tạo đòn bẩy du lịch Kiên Giang

    Tạo đòn bẩy du lịch Kiên Giang "cất cánh"

    16:58, 09/07/2020

Huy Thịnh thực hiện