Khơi dậy lợi thế cho du lịch Tây Nguyên
Tây Nguyên là khu vực sở hữu nhiều con thác đẹp, nhưng lại chưa được khai thác đúng cách để phát triển du lịch, ngoại trừ vài địa điểm như thác Đam Bri, thác Prenn, thác Pongour ở Đà Lạt.
>>Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Tâm tư trước giờ G
Ẩn mình dưới cánh rừng, thác Công Chúa địa phận xã Ia Mơ Nông huyện Chư Păh (Gia Lai) dưới chân núi, chảy nhẹ nhàng bên cạnh một con dốc đứng, rất dễ bị bỏ qua nếu ai không thật sự chú ý. Trên con đường vào thác là những khung cảnh hết sức bình dị và cuốn hút.
Càng đi tới gần thác, con đường càng hẹp và thưa dần bóng người để lại một không gian yên bình, tĩnh mịch. Nếu ai đã đặt trên đến đây sẽ được thấy con nước trải rộng mơ màng qua những phiến đá phẳng lì rồi từ từ đổ xuống dưới, chỉ khẽ tung lên chút bọt trắng điệu đà rồi lại lặng lẽ theo dòng chảy mãi. Ánh nắng dát một lớp vàng mỏng óng ánh trên bề mặt nước. Thác chảy nhẹ nhàng đến nỗi những hàng cây xanh trên bờ vẫn có thể soi bóng mình trên mặt nước.
Đây chỉ là sự hấp dẫn của một con thác trong vô vàn con thác tồn tại trên đất Tây Nguyên đang chờ được khai phá tiềm năng về du lịch. Thác Phú Cường huyện Chư Sê là một trong những con thác được khai thác du lịch sớm nhất ở tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, nó lại rơi vào câu chuyện của vòng luẩn quẩn là khai thác như thế nào. Đến nay, Thác Phú Cường đón khách chủ yếu là những người địa phương, hay một vài nhóm khách tò mò về thiên nhiên được giới thiệu đến. Từng đến thác Phú Cường chơi trong sự tò mò, anh Hồ Mộng Điệp ở thành phố Pleiku cho hay "“Đến thác chẳng có gì, ngoài nước với đá. Môi trường thì dơ bẩn, đầy rác và cỏ dại.”
Thực tế ngoại trừ Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng có kế hoạch dài hạn và đầu tư bài bản để thu hút du lịch ở những con thác thì số còn lại gần như để phát triển tự nhiên. Điều đó, là một sự lãng phí tài nguyên du lịch khi nhiều địa phương ở Tây Nguyên còn thờ ơ với thác và tự nhiên.
Trong bài đăng của Tiến sĩ Lê Văn Minh - Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch đánh giá vùng Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế. Tại đây có nền địa hình khá đa dạng, từ vùng núi cao đến các cao nguyên rộng lớn và các thung lũng với những cánh đồng trù phú…, đã tạo nên cho Tây Nguyên có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm với nhiều cảnh quan hấp dẫn, nhiều thác ghềnh hiểm trở, nhiều cánh rừng nguyên sinh với giá trị đa dạng sinh học cao.
Tây Nguyên được đánh giá cao là thế, nhưng đến nay việc khai thác tiềm năng lợi thế của những con thác, dòng sông dòng suối này vẫn chỉ là “mọc tự nhiên”, mà thiếu đi sự đầu tư từ nguồn vốn công lẫn nguồn vốn ngoài Nhà nước. Nhất là thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có thế mạnh về du lịch. Thống kê chưa đầy đủ, mỗi tỉnh ở Tây Nguyên có đến hàng trăm con thác lớn, nhỏ khác nhau và có đẩy đủ sức quyến rũ, nhất là đối với loại hình du lịch trekking.
Nhiều ý kiến cho rằng muốn Tây Nguyên phát triển mạnh về du lịch thác, sông, suối, hồ thì cần đẩy mạnh thiết kế về hạ tầng cơ sở ưu tiên bảo vệ môi trường và đẩy mạnh phát triển vùng liên kết du lịch, ngành phụ trợ. Có như vậy các lợi thế của Tây Nguyên và các địa phương sẽ sớm được phát huy trong du lịch.
Có thể bạn quan tâm