Doanh nghiệp du lịch Việt đã sẵn sàng đón khách Trung Quốc?
Tuy đã sẵn sàng cho sự trở lại của thị trường truyền thống, nhưng hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều có chung nhận định, thị trường sẽ không bùng nổ ngay mà phục hồi từ từ theo giai đoạn.
>>Nới lỏng visa để “kéo” khách quốc tế đến Việt Nam
Trong năm 2023, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế. Tính đến hết tháng 11/2022, Việt Nam chỉ đón 2,9 triệu lượt. Với việc Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", thời gian qua, Hàn Quốc, Ấn Độ là thị trường chủ lực. Các doanh nghiệp kỳ vọng thị trường truyền thống lớn là Trung Quốc sẽ là điểm nhấn của khách quốc tế trong nửa đầu năm tới.
Quảng Ninh là một trong những địa phương đón khách Trung Quốc nhiều nhất, lại có chung đường biên nên các doanh nghiệp du lịch cũng như nhà quản lý địa phương rất hồ hởi trước tin Trung Quốc chuẩn bị mở cửa.
Bà Nguyễn Thị Trực - giám đốc Vietravel Quảng Ninh - cho biết luôn sẵn sàng và có kế hoạch để đón nguồn khách Trung Quốc đến với Quảng Ninh.
Bên cạnh một số sản phẩm truyền thống thì đơn vị cũng xây dựng một số sản phẩm mới lạ hơn, như tour ghép đưa du khách tới trải nghiệm "sống lưng khủng long" ở huyện Bình Liêu, tour "phố đêm du thuyền"…
>>Hà Nội đã đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế
Cần rất nhiều thời gian để "khởi động"
Tuy đã sẵn sàng cho sự trở lại của thị trường truyền thống, nhưng hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều có chung nhận định, thị trường sẽ không bùng nổ ngay mà phục hồi từ từ theo giai đoạn. Dù có nhiều lợi thế song các chuyên gia cũng nhận định việc Trung Quốc mở cửa lại không thể khôi phục thị trường trong một sớm một chiều, các doanh nghiệp du lịch và hàng không cần rất nhiều thời gian để khôi phục lại tần suất và đặc biệt chuẩn bị lại hệ thống nhân sự để đón thị trường này.
Từ Hà Nội, ông Phùng Quang Thắng - phó chủ tịch HĐQT Công ty SGO Travel - cho biết Trung Quốc là thị trường lớn của du lịch Việt Nam, thị trường này đóng cửa đã lâu, nay doanh nghiệp rất mong chờ nước này mở cửa trở lại để hồi phục thị trường du lịch quốc tế quan trọng này của Việt Nam.
Để tận dụng được tốt nhất cơ hội này, ông Thắng cho rằng các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng vì đã lâu không đón khách Trung Quốc, phải rà soát lại sản phẩm du lịch, dịch vụ liên quan, marketing sao cho hiệu quả nhất.
Cần sự phối hợp để thông tin thông suốt, đồng bộ, chính xác
Dự báo Trung Quốc sẽ vẫn thận trọng trong phòng chống dịch nên ông Thắng mong mỏi các cơ quan quản lý về du lịch phải hoạt động tích cực hơn, bám sát thông tin độ mở của thị trường Trung Quốc và phải có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thông tin thông suốt, đồng bộ, chính xác, giúp các doanh nghiệp có những bước đi đúng.
Từ phía các doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm chất lượng, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên.
"Chúng ta cần có sự đánh giá những việc trước kia chưa làm việc tốt thì dịp này cải tiến, nâng cấp để thị trường bền vững, hiệu quả hơn. Nên tránh chạy theo số lượng với các tour giá rẻ, giá nào cũng làm", ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng đề nghị phía Việt Nam tạo thủ tục thuận lợi cho khách Việt Nam sang Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Việt Nam "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế?
05:00, 22/12/2022
Việt Nam đón gần 1,7 triệu khách du lịch quốc tế trong 9 tháng năm 2022
00:10, 03/10/2022
Phục hồi du lịch quốc tế bằng cách nào?
04:00, 10/08/2022
Du lịch quốc tế chưa "bắt kịp" đà phục hồi của du lịch nội địa
03:00, 09/08/2022