Hiệu quả từ chủ trương "mở cửa bầu trời" của Đà Nẵng
Sự phục hồi nhanh chóng từ các đường bay quốc tế cho thấy, Đà Nẵng vẫn là điểm đến có sức hút đối với khách quốc tế.
>>Cơ hội nào cho phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam?
Nhìn từ những con số
Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố, tính đến hết tháng 12/2022, Đà Nẵng có 24 đường bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó có 15 đường bay quốc tế trực tiếp được khôi phục và khai thác mới từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia và Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) với hơn 4.700 chuyến.
Qua khảo sát và đánh giá, Hàn Quốc vẫn là thị trường quốc tế hàng đầu của du lịch Đà Nẵng với 4 chặng bay từ Incheon, Busan, Deagu, Muan (tần suất hơn 60 chuyến/tuần). Bên cạnh đó, sự trở lại mạnh mẽ của các thị trường khách Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore qua đường hàng không đóng góp đáng kể vào cơ cấu khách quốc tế đến thành phố Đà Nẵng.
Riêng thị trường tiềm năng Ấn Độ được hãng hàng không Vietjet khai thác vào năm 2022 với 3 chặng bay trực tiếp từ New Delhi và Mumbai, Ahmedabad, dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Lượng khách Ấn Độ lưu trú tại Đà Nẵng trong năm 2022 ước đạt 20.309 lượt khách.
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như: chính sách visa chưa thật sự mở, khách phải đi theo tour hoặc phí xin visa theo các công ty bảo lãnh, do vậy phí xin visa cao. Trong khi Việt Nam công bố chính sách mở cửa du lịch sớm hơn một số nước trong khu vực nhưng kết quả thấp hơn, từ đó đến nay vẫn chưa rà soát, đánh giá hiệu quả để kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với sự thay đổi không ngừng của kinh tế, chính trị, xã hội…
Góc nhìn từ các chuyên gia
Nhìn nhận từ thực tế hiệu quả của việc mở lại các đường bay của Đà Nẵng thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình chia sẻ, sở thường xuyên hợp tác Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Công ty AHT, các hãng hàng không… thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác trong quảng bá, xúc tiến thị trường, phối hợp tổ chức các sự kiện lớn...
>>Du lịch Đà Nẵng vẫn chờ khách quốc tế
Tuy nhiên, để tăng cường hợp tác giữa hàng không và du lịch, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ và thu hút các hãng hàng không như: giảm 50% gói phục vụ mặt đất (phí cất, hạ cánh) đối với các chuyến bay quốc tế từ các thị trường Mỹ, châu Âu, Úc… khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm bắt đầu khai thác; có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các hãng hàng không quốc tế trong 1 tháng đầu tiên mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng (miễn phí thuê văn phòng, quảng bá truyền thông tại sân bay Đà Nẵng…); đề xuất Đà Nẵng tham gia là thành viên của các tổ chức, hiệp hội hàng không quốc tế uy tín…
Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, để phát triển du lịch bền vững cần sớm mở rộng mạng lưới các đường bay trực tiếp đến các thị trường tiềm năng, tăng tần suất các chuyến bay đến các thị trường khách trọng điểm. Đây là một trong những biện pháp thu hút khách du lịch hiệu quả và bền vững nhất. Cùng với đó, phối hợp đồng bộ từ cơ quan quản lý du lịch Trung ương và địa phương, các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch trong công tác xúc tiến thị trường, truyền thông điểm đến; từng bước cải thiện các chính sách còn hạn chế liên quan đến du lịch.
Tổng Giám đốc Công ty CP Vietnam Travel mart Nguyễn Như Nam cũng cho rằng, lữ hành sẽ không thể phát triển nếu tách rời khỏi ngành hàng không. Do đó, các doanh nghiệp lữ hành rất mong muốn các đơn vị quản lý hàng không, cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế, chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để hấp dẫn thật nhiều các hãng hàng không quốc tế mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung; đồng thời cùng phối hợp với Cục Hàng không để mở các đường bay song phương thuận lợi cho việc trao đổi khách.
Ông Dương Quang Bình, Giám đốc Công ty CP du lịch và tiếp thị Giao thông vận tải (Vietravel) - chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận, du lịch Việt Nam mở cửa sớm hơn những lại về sau, do đó vẫn còn một số tồn tại như: chính sách visa chưa thật sự mở, khách phải đi theo tour hoặc phí xin visa theo các công ty bảo lãnh, do vậy phí xin visa cao.
Theo ông Bình, để thu hút khách quốc tế đến Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung cần nhanh chóng thành lập tổ công tác đặc biệt để phục hồi khách du lịch quốc tế, trong đó có sự tham gia của cơ quan quản lý về du lịch và các doanh nghiệp tư nhân. Cần tăng số nước miễn thị thực và kéo dài thời gian miễn visa lên 30- 45 ngày; đồng thời xây dựng chiến dịch phát động thị trường khách du lịch thay thế, nhất là thị trường Ấn Độ và Trung Đông, phải có sự chuẩn bị dịch vụ cho các thị trường, trong đó có sự đầu tư chung tay từ cơ quan quản lý du lịch, cụ thể là Tổng cục Du lịch với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, mua sắm, hoàn thuế nhiều dịch vụ hấp dẫn vào ban đêm tại các điểm đến địa phương; phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với văn hóa bản địa, nâng cao sức cạnh tranh của từng địa phương…
Có thể bạn quan tâm