Hội chữ Xuân 2023 khai mạc với chủ đề "Sư đạo tôn nghiêm"

BẢO LOAN 15/01/2023 16:29

Sáng 15/1, Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 với chủ đề: "Sư đạo tôn nghiêm" đã được khai mạc tại khu vực hồ Văn thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Sau 2 năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, Hội chữ Xuân 2023 được tổ chức tại khu vực Hồ Văn thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Với chủ đề "Sư đạo tôn nghiêm", Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 đề cao truyền thống hiếu học, "tôn sư trọng đạo" của dân tộc. Đây là một sự kiện văn hoá do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách đến tham dự.

>>> Cơ hội nào cho phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam?

Hội

Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 với chủ đề: "Sư đạo tôn nghiêm" đã được khai mạc tại khu vực hồ Văn thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Hội chữ Xuân năm nay được tổ chức cùng với thời điểm dự án phục dựng Phương đình và tôn tạo Gò Kim Châu hoàn thành, tạo nên một diện mạo mới của không gian hồ Văn. Đây cũng là nơi triển lãm các tác phẩm thư pháp với chủ đề "Sư đạo tôn nghiêm".

Bà Trần Văn Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội phát biểu khai mạc

Bà Trần Văn Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội phát biểu khai mạc

Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 là hoạt động thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa và hưởng ứng tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo. Hội chữ Xuân Quý Mão được chuẩn bị chu đáo nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh để 50 người viết thư pháp Hán - Nôm và Quốc ngữ sáng tạo, mang đến cho công chúng những bức thư pháp đẹp, với nhiều ước nguyện tốt lành cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến xin chữ đầu Xuân năm mới.

Chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết: Với chủ đề của triển lãm thư pháp năm nay, chúng tôi mong muốn nối tiếp được mạch nguồn của truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thông qua đó cũng là sự tri ân đối với những người thầy của các thế hệ. Đồng thời gửi tới thông nghiệp đối với những người trẻ về lòng yêu mến cũng như tinh thần phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông ta nói chung. Trong đó có truyền thống Tôn sư trọng đạo và truyền thống hiếu học.

>>> Liên kết tạo sức bật mới

tác phẩm với chủ đề

Các tác phẩm với chủ đề "Sư đạo tôn nghiêm" được trưng bày tại Hội chữ Xuân

PGS TS. Lê Quang Hưng Nguyên - Trưởng Khoa Việt Nam học Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Thư Pháp là một truyền thống văn hóa đáng quý của dân tộc Việt Nam. Trong thư pháp, người viết chữ/cho chữ không chỉ là tài hoa ở nét bút mà còn gửi vào những con chữ ấy trí tuệ, cái tâm của mình. Người xin chữ thì cũng mong muốn qua cái chữ đó muốn có được điều mình mình ước nguyện, ấp ủ. Tôi cho rằng đây là một nét văn hóa tâm linh rất đáng trân trọng.

Hội chữ Xuân năm nay còn có sự góp mặt của nhiều làng nghề thủ công truyền thống (giấy dó, tơ lụa, sơn mài, gốm sứ...) cùng nhiều trò chơi dân gian; chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và lễ hội thả đèn Hoa Chữ tại hồ Văn. Đặc biệt, du khách còn được chiêm ngưỡng Triển lãm thư pháp gồm 40 tác phẩm đẹp sáng tác theo chủ đề "Sư đạo tôn nghiêm" nhằm tôn vinh truyền thông tôn sư trọng đạo, khích lệ tinh thần học tập, vươn lên của thế hệ trẻ và góp phần từng bước nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của người viết chữ cũng như công chúng Thủ đô.

Tham gia Hội chữ Xuân năm nay, những người viết thư pháp đều bày tỏ sự phấn khởi. Ông Nguyễn Đăng Lai, Câu lạc bộ Hán Nôm Thư pháp Quang Trung cho biết: Ông vốn là người yêu thư pháp và đến với thư pháp như một cái duyên. Từ sự đam mê, ông kiên nhẫn học hỏi, biến những cái khó của thư pháp trở nên nhẹ nhàng. Để nghệ thuật thư pháp đến gần hơn với mọi người, chúng ta phải cùng nhau xây dựng văn hóa thư pháp để người dân trân trọng, tự hào với vốn quý của dân tộc. Hội chữ Xuân năm nay mở lại sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ông Lai hy vọng nhiều người sẽ tìm đến thưởng lãm thư pháp, xin chữ hơn.

Sự xuất hiện của “ông đồ” Tây Jean Sebastien Grill thu hút sự quan tâm của rất nhiều

Sự xuất hiện của “ông đồ” Tây Jean Sebastien Grill thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và du khách

Hội chữ Xuân còn có sự góp mặt của một người viết thư pháp trẻ nước ngoài, anh Jean-Sesbastien Grill đến từ Pháp (tên tiếng Việt là Trường Giang). Đến với thư pháp Việt Nam gần 7 năm, bắt nguồn từ tình yêu văn hóa Việt, anh Jean-Sesbastien Grill chia sẻ: thầy hướng dẫn anh viết thư pháp là Thư pháp gia Kiều Quốc Khánh. Anh rất vui khi được tham gia viết thư pháp ở đây và muốn gửi chữ “Bình An” đến người dân Việt Nam trong năm nay.

Trước đó, anh từng có tác phẩm thư pháp được triển lãm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và thời gian tới có kế hoạch giao lưu với bạn bè Pháp về thư pháp Việt, dạy người Pháp viết thư pháp Việt.

>>> [CẢM XÚC XUÂN] Tĩnh mịch chiều đông Lôi Âm

Ông Lê Trung Kiên, Đốc giáo Nhân Mỹ học đường (áo dài đen) đang giới thiệu ý nghĩa của các bức Thư pháp tại gò Kim Châu

Ông Lê Trung Kiên, Đốc giáo Nhân Mỹ học đường (áo dài đen) đang giới thiệu ý nghĩa của các bức Thư pháp tại gò Kim Châu

Năm nay, Hội chữ xuân Quý Mão 2023 diễn ra từ 7h đến 18h30 từ ngày 15-29/1 (tức 24 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng). Riêng ngày 21/1 (tức 30 Tết Nguyên đán), Hội chữ xuân mở cửa đến 2h00 sáng hôm sau. Trong các ngày 22, 23 và 24/1 (tức mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết Nguyên đán), Hội chữ Xuân mở cửa đến 22h00.

Có thể bạn quan tâm

  • [CẢM XÚC XUÂN] Chợ Tết

    05:00, 15/01/2023

  • [CẢM XÚC XUÂN] Ru Xuân…

    04:30, 14/01/2023

  • Xuân sớm trên biển Tây Nam

    02:19, 14/01/2023

BẢO LOAN