Du lịch Đà Nẵng sẵn sàng phục vụ khách dịp Tết
Trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023 và năm mới, doanh nghiệp cùng ngành du lịch Đà Nẵng đã chuẩn bị sản phẩm, định hướng phát triển thêm nhiều dịch vụ.
>>Du lịch Đà Nẵng vẫn chờ khách quốc tế
Tại khu vực Sun World Ba Na Hills trong những ngày đầu tiên của Tết Quý Mão, đơn vị này đã chuẩn bị nhiều địa điểm tham quan, chechk-in với các vườn hoa tulip, vườn hoa đào chuông, vườn hoa hồng Rosa, vườn hoa cẩm tú cầu,... Với diện tích hơn 1.200 m2, tại đây sẽ có hơn 10.000 gốc hoa với gần 100 giống hoa nổi tiếng ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó còn có gần 1.500 gốc hoa đào chuông ở khu tâm linh của quần thể du lịch này giúp du khách có thể vừa chiêm bái cầu bình an, thưởng hoa, check-in với không khí mùa xuân trên đỉnh núi Chúa. Ngoài ra, còn có những show trình diễn độc đáo của các nghệ sỹ quốc tế.
“Năm nay, khu du lịch đặc biệt dành tặng khách du xuân minishow “Vũ hội Nhật Nguyệt” tại quảng trường Nhật thực. Kịch bản hấp dẫn với những lớp lang được dàn dựng công phu, Vũ hội Nhật Nguyệt kể về sự giao thoa giữa 2 vùng đất Mặt trăng và Mặt trời trên đỉnh Bà Nà, được thể hiện thông qua những vũ điệu điêu luyện của dàn vũ công trong trang phục rực rỡ sắc màu, hứa hẹn đưa khách lạc bước vào câu chuyện thần thoại ly kì, hấp dẫn đến không muốn rời”, đại diện Sun World Ba Na Hills cho hay.
Đối với định hướng phát triển chung, thời gian qua ngành du lịch Đà Nẵng đã củng cố, làm mới các sản phẩm hiện có, triển khai các sản phẩm du lịch mới, chủ lực, đặc thù. Cùng với đó, địa phương hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án du lịch động lực, trọng điểm quy mô lớn như Khu du lịch giải trí và tổng hợp làng Vân, Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế, khu du lịch sinh thái Nam Ô,...
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng sẽ triển khai Kế hoạch phát triển ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, chương trình lễ hội sự kiện hai bờ sông Hàn, huy động các nguồn lực để tổ chức các lễ hội/sự kiện thu hút khách,... Song song, Đà Nẵng sẽ tổ chức các lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng, Lễ hội du lịch Golf và Giải Golf Phát triển châu Á 2023,... để thu hút khách đến địa phương.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng đã chuẩn bị nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai Kế hoạch nguồn nhân lực du lịch năm 2023. Các hoạt động phát triển nguồn nhân lực cho du lịch bao gồm bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp tục triển khai thực hiện các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch,...
Đồng thời, Đà Nẵng sẽ tiếp tục chiến lược truyền thông điểm đến với thông điệp “Tận hưởng Đà Nẵng – Enjoy Đà Nẵng”. Tổ chức thực hiện Kế hoạch Xúc tiến thị trường, xúc tiến phát triển đường bay quốc tế trực tiếp, khôi phục du lịch đường biển, đường bộ, đẩy mạnh mở rộng liên kết hợp tác trong nước và quốc tế để quảng bá, trao đổi nguồn khách và kết nối khai thác sản phẩm.
“Sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho điểm đến, để thu hút khách; trong thời gian đến ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển và quảng bá các nhóm sản phẩm có lợi thế, đồng thời bổ sung, làm mới các sản phẩm phù hợp nhu cầu xu hướng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm”, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay.
Theo đó, Đà Nẵng đã định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo thứ tự ưu tiên với 3 nhóm sản phẩm gồm sản phẩm đặc trưng (gồm du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp - gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch M.I.C.E, golf, sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế, du lịch văn hoá, lịch sử, du lịch sinh thái), sản phẩm chính (du lịch ban đêm, du lịch đường thủy, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn) và sản phẩm bổ trợ (gồm du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới, du lịch giáo dục).
Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đã lên định hướng phát triển chất lượng sản phẩm/dịch vụ hướng đến đạt chuẩn “chất lượng cao” ở tất cả các loại hình sản phẩm/dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Trong đó, ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.
Đối với việc thu hút khách du lịch Quốc tế, Đà Nẵng đã xác địnhh Hàn Quốc vẫn là thị trường quốc tế hàng đầu của du lịch với 4 chặng bay từ Incheon, Busan, Deagu, Muan đến Đà Nẵng tần suất hơn 60 chuyến/tuần. Ngoài ra, sự quay lại mạnh mẽ của các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore chủ yếu qua đường hàng không đã đóng góp đáng kể vào cơ cấu khách quốc tế đến với thành phố
Đối với thị trường, Ấn Độ lần đầu được khai thác vào năm 2022 với 03 chặng bay trực tiếp từ New Delhi và Mumbai, Ahmedabad do hãng hàng không Vietjet khai thác, dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Lượng khách Ấn Độ lưu trú tại Đà Nẵng trong năm 2022 ước đạt 20.309 lượt khách.
Du lịch qua đường hàng không vẫn là nguồn khách chính của du lịch Đà Nẵng. Các đường bay trực tiếp quốc tế được khai thác trở lại trong thời gian qua đã hỗ trợ, gia tốc cho sự phục hồi du lịch địa phương.
Có thể bạn quan tâm