Lâm Đồng: Nâng cao hạ tầng giao thông phát triển du lịch
Ùn tắc giao thông không chỉ gây phiền phức cho người dân, mà còn gây ra nhiều hệ luỵ cho nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia vào vận chuyển hàng hoá.
>>Kỳ vọng sớm gỡ “thẻ vàng” IUU
Đà Lạt, một thành phố xưa kia không có đèn đỏ nhưng bây giờ lại đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên. Điều này đang gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp tham gia vào hạ tầng giao thông.
Cũng chính vì lẽ đó mà UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt Đề án Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035. Theo đó, UBND tỉnh đặt mục tiêu sẽ hoàn thiện khép kín hệ thống đường vành đai TP Đà Lạt gồm các đoạn, tuyến như đường Cam Ly - Ankroet - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Thánh Mẫu - Mai Anh Đào - đường Vòng Lâm Viên - Quốc lộ 27C - Hùng Vương - tuyến mở mới phía Đông Nam - An Sơn - Y Dinh - An Tôn - đường Trúc Lâm Yên Tử kéo dài, Cam Ly - Phước Thành; đường tránh Prenn - Xuân Thọ; đường nối Liên Nghĩa - Thạnh Mỹ, giúp giảm lưu lượng giao thông trên đèo Prenn, đèo Mimosa và giảm phương tiện đi qua trung tâm TP Đà Lạt.
Để làm được điều này tỉnh Lâm Đồng sẽ cần khoảng 3.793 tỷ đồng để thực hiện các dự án ưu tiên. Khảo sát những năm gần đây của UBND thành phố Đà Lạt cho hay nhu cầu đi lại ngày một tăng cao và với dân số của Đà Lạt hiện hữu 230.000 dân; vùng phụ cận với gần 700.000 dân, nhu cầu đi lại trung bình của người dân và du khách khoảng 27.000 lượt/ngày.
Riêng cao điểm du lịch cuối tuần lên tới khoảng 54.000 lượt/ngày. Vì vậy, câu chuyện nâng cao hạ tầng giao thông là một điều hết sức cần thiết để phát triển đô thị Đà Lạt là một thành phố tích hợp đô thị, giao thông và du lịch.
Trọng tâm của đề án lần này là phát triển hệ thống giao thông công cộng đa cấp, tích hợp đa phương thức và tái cấu trúc các tuyến xe buýt hiện hữu. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng cao chất lượng các tuyến xe buýt hiện hữu, mở mới 3 tuyến xe buýt tần suất cao trên các tuyến đường trục chính đô thị Bắc - Nam và Đông – Tây.
Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng trung chuyển khách du lịch và hạn chế xe khách lớn, xe cơ giới vào trung tâm. Để làm được điều này, đề án cũng đã quy hoạch và xây dựng bãi đậu xe đầu đèo Prenn tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng và Phường 3, TP Đà Lạt với diện tích quy hoạch hơn 38 ha; bãi đậu xe kết hợp bến xe tại khu vực ngã ba Đarahoa, huyện Lạc Dương với diện tích gần 37 ha nhằm hình thành các khu vực đậu xe kết hợp nhà ga tập trung với các tiện ích đô thị nhằm cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ trung chuyển hành khách.
Qua đó, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, hỗ trợ phát triển dịch vụ giao thông công cộng. Đặc biệt là khi du lịch phát triển mạnh, chính quyền thành phố Đà Lạt đặt mục tiêu kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư và vận hành hệ thống xe buýt thông qua hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi ban đầu. Ban hành chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong quá trình tham gia vào thực hiện đề án.
Có thể bạn quan tâm