Du lịch Đà Nẵng vẫn hoài nỗi lo
Mặc dù ngành du lịch Đà Nẵng đang dần phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp du vẫn cho rằng còn khó khăn, cản trở như thiếu sản phẩm mới, nguồn nhân lực, lãi suất tăng cao,…
>>Thách thức trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch 4.0
Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước về sự phục hồi của ngành du lịch, tuy nhiên vẫn còn đó những mục tiêu chưa thể đạt được.
Khó khăn còn đó
Mặc dù ngành du lịch đang dần hồi phục nhưng trong năm 2023 nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn còn đối diện với rất nhiều khó khăn, chủ yếu là liên quan đến cơ chế chính sách. Để “sức khỏe” doanh nghiệp thật sự tăng trưởng trở lại, các đơn vị vẫn cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp du lịch đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp có nguồn vốn vay lớn. Vì vậy, phía Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất thành phố tiếp tục hỗ trợ, giảm tiền thuê đất thêm 1 năm cho doanh nghiệp du lịch.
Lý giải về vấn đề này, ông Dũng cho rằng tiền thuê đất hiện nay rất là cao, từ đó dẫn đến giá sản phẩm du lịch của thành phố tăng cao. Khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng đang giảm so với Khánh Hòa, Phú Quốc vì giá cả,… Đồng thời, vị này cũng cho rằng doanh nghiệp không xoay xở được dòng tiền vay để nộp thuế, do đó thành phố cũng cần có phương án làm việc với Cục Thuế để có hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp.
"Thành phố có giải pháp để hỗ trợ cho lao động nước ngoài. Bởi lao động nước ngoài chưa nắm rõ quy định luật pháp của nước ta, nên cần hướng dẫn thêm. Cùng với đó thành phố sớm đưa các sản phẩm thủy nội địa vào khai thác ngay trong tháng 6, bởi đây là mảnh ghép còn thiếu của ngành du lịch thành phố, làm phong phú sản phẩm du lịch cho du khách", ông Cao Trí Dũng đề xuất.
Về vấn đề nguồn nhân lực, đại diện Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng cho hay sau đại địch Covid-19 các đơn vị đang bị khủng hoảng nguồn nhân lực. Vì vậy, các doanh nghiệp thể hiện mong muốn địa phương sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng này, đặc biệt là mùa cao điểm sắp đến.
Chia sẻ về thị trường khách du lịch, TS. Mo Chul Min, Hiệu Trưởng trường du lịch Đại học Duy Tân thông tin lý do người Hàn Quốc thích đi du lịch Đà Nẵng vì ở đây có bãi tắm đẹp, giá cả hợp lý, đặc biệt nhiều người biết nói tiếng Hàn. Thế nhưng, vị này cũng cho rằng, các thủ tục nhập cảnh rất lâu, tình trạng thu tiền taxi, grab chênh lệch rất nhiều so với giá thực tế đã ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh du lịch địa phương.
"Giá cả ở nhiều địa điểm, sản phẩm tại Đà Nẵng vẫn còn cao hơn so với các nước khác. Đơn cử như người Hàn Quốc rất thích chơi golf, tuy nhiên, chi phí chơi golf ở Đà Nẵng ngang với ở Hàn Quốc và đắt hơn so với các nước như Thái Lan, Malaysia… Ngoài ra, giá cả đồ ăn trong các sân bay ở Việt Nam hiện quá đắt, so với các nước khác", ông Min nêu ví dụ.
Vì vậy, TS. Mo Chul Min kiến nghị bên cạnh sản phẩm du lịch biển chính, thành phố cần xây dựng thêm các sản phẩm khác như văn hóa, nghệ thuật… Đồng thời, quảng bá các sự kiện lớn đến với du khách sớm, tổ chức thêm các sự kiện lớn mang thương hiệu của thành phố trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần chủ động
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch địa phương đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Thông tin từ vị này, Đà Nẵng đang bị cạnh tranh điểm đến, chính sách thị thực của Việt Nam chưa thông thoáng, xu hướng, tâm lý khách thay đổi và cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 nên cần có các giải pháp khắc phục và thích ứng.
Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng cũng nhìn nhận doanh nghiệp vẫn đang gặp khó về nguồn khách, vốn kinh doanh, tái đầu tư, khó khăn trong tuyển dụng nguồn nhân lực. Cùng với đó là nhiều đơn vị đã cạn kiệt nguồn lực tài chính do thời gian dừng kinh doanh quá lâu và nhiều lần bị gián đoạn và cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển... xuống cấp, hư hỏng.
"Về nguồn nhân lực du lịch, hiện nay thiếu và khó đảm bảo chất lượng do lao động là vì họ đã tìm được việc khác ổn định, tâm lý lo ngại dịch bệnh phải nghỉ việc,... Trong thời gian tới, doanh nghiệp du lịch cần chủ động đầu tư nâng cấp, làm mới các sản phẩm, dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp để cạnh tranh thu hút khách, tăng hiệu quả kinh doanh và xây dựng thương hiệu", bà Hạnh nói.
Ngoài ra, Giám đốc sở Du Lịch Đà Nẵng cũng cho rằng doanh nghiệp nên đầu tư các dự án tạo sản phẩm du lịch mới đặc sắc, khác biệt, sáng tạo phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm, định hướng không gian phát triển du lịch. Trong đó, cần ưu tiên các dòng sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao, cao cấp, siêu sang, thân thiện môi trường.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin năm 2023 thành phố sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Quan Thế âm, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á… Ông Chinh đánh giá những sự kiện này sẽ giúp cho các dịch vụ ăn theo phát triển.
Song song với việc tổ chức lễ hội, Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư nhiều sản phẩm du lịch mới, đáng chú ý là đầu tư 400 tỷ đồng phát triển dòng sông ánh sáng, ánh sáng trên Sơn Trà, đưa vào sử dụng Bảo tàng Đà Nẵng,… Ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh rằng thành phố sẽ phấn đấu để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.
Để "hút" được lượng khách đến Đà Nẵng, Sở Du lịch đã khẩn trương làm việc với xuất nhập cảnh và sân bay Đà Nẵng để tìm giải pháp giảm thời gian nhập cảnh cho du khách quốc tế khi đến thành phố. Đồng thời, khẩn trương xây dựng quy chế tìm các điểm check-in trên địa bàn thành phố, những điểm check-in phải có hướng dẫn về môi trường, an ninh….
Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ xây dựng thẻ du lịch, bản đồ ẩm thực, đảm bảo an toàn ven biển cho du khách… Quan trọng nhất, cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố cùng nhau liên kết cùng nhau, đảm bảo chất lượng dịch vụ, cạnh tranh lành mạnh.
Có thể bạn quan tâm