Tăng sức hút du lịch nhờ số hoá điểm đến

MINH CHÂU 21/03/2023 03:45

Từ thành công bước đầu, Sở Du lịch Hà Nội có kế hoạch triển khai số hóa các điểm đến du lịch trong hệ thống giới thiệu du lịch chung bằng giao diện ảnh 360, 3D, flycam, công nghệ thực tế ảo...

>>Kết nối di sản phát triển du lịch

Sở Du lịch Hà Nội vừa có Kế hoạch số 29/KH-SDL triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố năm 2023. Theo đó, Hà Nội sẽ liên kết phát huy tài nguyên và nguồn lực của địa phương để phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường du lịch MICE, sản phẩm du lịch đô thị, biển đảo, chăm sóc sức khỏe, du lịch giáo dục…

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, thời gian qua, Hội và Câu lạc bộ du lịch bền vững Vgreen phối hợp với các tỉnh, thành xây dựng nhiều sản phẩm mới. Đáng chú ý là chùm sản phẩm dành cho Hà Nội với điểm nhấn tour Caravan đến làng cổ Đường Lâm, tour khám phá kiến trúc Đông Dương tại khu vực phố cổ Hà Nội. Bên cạnh đó, Hội cũng triển khai nhiều tour liên kết đạt hiệu quả, như sản phẩm du lịch Caravan đi 6 tỉnh Tây Bắc.

Du khách sử dụng vé du lịch điện tử khi tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám.

Du khách sử dụng vé du lịch điện tử khi tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám.

Ngành du lịch Hà Nội cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố hình thành các tuyến du lịch, như Hà Nội - Lai Châu - Hà Giang; Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La… Các sản phẩm trọng tâm của liên kết vùng sẽ là du lịch đường thủy, nông nghiệp, di sản văn hóa. Hà Nội cũng chú trọng việc phát triển trục du lịch tâm linh Chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình); từ đó tạo được sản phẩm thế mạnh trong mùa lễ hội năm 2023.

Theo các chuyên gia du lịch, để thu hút du khách bên cạnh việc xây dựng tour, tuyến mới còn đòi hỏi ngành du lịch thủ đô đẩy mạnh số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm. 

Chia sẻ kinh nghiệm của DN, ông Ngô Minh Đức - Tổng Giám đốc công ty CP Công nghệ du lịch Gotadi cho biết: DN của ông đã áp dụng chuyển đổi số từ năm 2014. Việc ứng dụng chuyển đổi số giúp DN tinh giảm được nhân sự, cắt giảm nhiều chi phí, đặc biệt là đem lại trải nghiệm tiện lợi cho khách hàng. Hiện nay, Gotadi đã kết nối với 7.000 khách sạn trong nước; 450.000 khách sạn quốc tế; làm việc trực tiếp với 4 hãng hàng không trong nước và 900 hãng hàng không quốc tế… Với đa dạng phương thức thanh toán, giúp du khách tiết kiệm khoảng 20% chi phí.

Làng cổ Đường LÂm

Làng cổ Đường Lâm ngày càng đổi mới, thu hút đông đảo khách du lịch.

>>Gỡ “điểm nghẽn” cho du lịch Việt

Du lịch Hà Nội đẩy mạnh khai thác chuyển đổi số các điểm du lịch

Nói về việc du lịch Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số các điểm du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, hiện Hà Nội đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi, đồng thời chuẩn hóa các nội dung thuyết minh tự động bằng 6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn.

“Nhờ áp dụng công nghệ số hóa, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với những dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian”, ông Trần Trung Hiếu nêu rõ.

Từ góc độ doanh nghiệp kết nối sản phẩm du lịch, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho biết: "Chúng ta cần xây dựng và làm mới cho bằng được các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có lợi thế so sánh để phục vụ du khách dựa trên các thị trường trọng điểm. Phải tiếp tục thúc đẩy triển khai số hóa các điểm đến bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo; triển khai vé điện tử... đồng thời tổ chức nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ về đêm để thu hút, kéo dài thời gian lưu trú của khách".

Thực tế cho thấy, để thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch không đơn giản, bởi sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan… Theo các doanh nghiệp, việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp, quy trình kinh doanh. Và sự thay đổi này không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng tâm thế, đủ năng lực thực hiện. Do đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách kiến tạo môi trường để các doanh nghiệp có đủ thời gian tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ.

Có thể bạn quan tâm

  • Tín hiệu khởi sắc của du lịch Hà Nội

    03:00, 09/03/2023

  • Rộn ràng với “Du lịch Hà Nội chào 2023 - Get on Hà Nội 2023”

    20:00, 11/03/2023

  • Quảng bá du lịch Hà Nội với chương trình “Du xuân hữu nghị 2023”

    18:00, 25/02/2023

  • Du lịch Hà Nội: Tạo đột phá bằng nhiều sản phẩm mới độc đáo

    04:00, 07/01/2023

  • Du lịch Hà Nội: Mục tiêu thành trung tâm du lịch Bắc Bộ

    03:00, 05/01/2023

MINH CHÂU