Hà Nội đón hơn 5,88 triệu lượt khách trong quý I/2023
Quý I/2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 5,88 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 978,7 nghìn lượt, khách nội địa đạt 4,9 triệu lượt, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 397,2 nghìn lượt khách, tăng 40% so với tháng 2/2023, khách du lịch nội địa ước đạt 1,7 triệu lượt khách, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 7,9 nghìn tỷ đồng, tăng 82,7% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 12,8% so với tháng 2/2023.
Với lượng khách du lịch trong tháng 2 tăng mạnh đã kéo theo số lượng du khách đến Hà Nội trong quý I/2023 đạt 5,88 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt gần 970.000 nghìn lượt khách, tăng 5.900 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa ước đạt 4,9 triệu lượt khách, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 21.500 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động lưu trú, trong tháng 3/2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao đạt khoảng 56,4%, tăng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, trong quý I/2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt khoảng 56,5%, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện, Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng, trong đó có 602 khách sạn đã được xếp hạng từ 1- 5 sao với 25.432 phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,2% tổng số phòng.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để có kết quả khả quan trong quý I, ngành Du lịch Thủ đô đã nỗ lực quảng bá, tuyên truyền với nhiều sự kiện lớn được thực hiện như hoạt động khởi động du lịch “Get on – Hà Nội để yêu 2023”, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023. Đồng thời, đã đề nghị các địa phương, doanh nghiệp đổi mới cách xây dựng sản phẩm, ra mắt nhiều sản phẩm đặc sắc, đặc trưng của Hà Nội cũng như các sản phẩm liên kết, tạo được sức hút với du khách trong và ngoài nước.
Năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 22 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu này, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp các địa phương xây dựng, phát triển một số mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thường Tín, thị xã Sơn Tây…
Khuyến khích các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP lĩnh vực du lịch. Đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm du lịch golf, trong đó tập trung phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch golf, nâng cao khả năng tiếp cận du lịch golf đối với du khách, tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp, đồng thời kết nối sản phẩm du lịch golf với các sản phẩm du lịch thế mạnh của các địa phương.
Sở Du lịch Hà Nội nghiên cứu đầu tư phát triển, khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô… gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại các quận, huyện, thị xã. Trước mắt tập trung nghiên cứu tổ chức, khai thác tuyến bus Bến Bạc - Bát Tràng, đổi mới xây dựng, phát triển, kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng của Hà Nội (các tour du lịch nội địa ngắn ngày trong TP, các tour du lịch phục vụ du khách người Hà Nội, chương trình du lịch giáo dục học đường…).
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm như: Hội chợ du lịch TOPRESA tại Paris, Pháp, Hội chợ xúc tiến du lịch JATA tại Nhật Bản; Hội chợ Du lịch Thế giới WTM, tại London, Anh; Hội chợ ITB - Singapore tại Singapore… Tích cực tham gia Hội chợ du lịch quốc tế hoặc các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức; Tham gia các hội nghị, hội thảo, hoạt động, sự kiện xúc tiến, quảng bá trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia năm 2023 - Bình Thuận.
Sở Du lịch Hà Nội xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong ngành du lịch Thủ đô. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội; Tiếp tục thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh 360 độ và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố; Xây dựng phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội; phần mềm quản lý để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội; Số hóa, kết nối, tích hợp dữ liệu về du lịch vào hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý chung theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nâng cấp trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Ẩm thực – Gia vị cho sự phát triển ngành du lịch
18:27, 27/03/2023
Nét mới trong hoạt động xúc tiến du lịch của thủ đô Hà Nội
03:00, 26/03/2023
Du lịch Hà Nội: Kết nối những giá trị đặc sắc gắn với di sản
07:20, 25/03/2023
Hà Nội ra mắt tour du lịch mới
02:00, 24/03/2023