Để du lịch Việt "vươn mình" với Thái Lan

MINH CHÂU 30/03/2023 04:00

Du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế về bề dày lịch sử văn hóa hơn so với Thái Lan. Tuy nhiên, chúng ta cần học hỏi Thái Lan trong cách họ tổ chức, đa dạng hóa và liên kết sản phẩm du lịch - dịch vụ...

Chia sẻ với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế về bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa hơn so với Thái Lan. Tuy nhiên, chúng ta cần học hỏi Thái Lan rất nhiều trong cách họ tổ chức, đa dạng hóa và liên kết chặt chẽ sản phẩm du lịch -  dịch vụ, đem đến nhiều trải nghiệm cho du khách với mức giá vô cùng hợp lý.

CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt.

CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt.

Sau hơn 1 năm mở cửa du lịch hoàn toàn, du lịch Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình "chạy đua" với các nước khu vực. Thực tế, chúng ta đang "chậm chân" khi mở cửa du lịch sớm hơn với hy vọng rút ngắn khoảng cách, đuổi kịp Thái Lan nhưng kết quả năm 2022, Việt Nam chỉ đón khách quốc tế bằng 1/3 so với Thái Lan.

Du lịch từ lâu là trụ cột quan trọng của kinh tế Thái Lan. Trước dịch, năm 2019, doanh thu từ du lịch của nước này gần 60 tỷ USD với 39,8 triệu khách, chiếm 12% GDP và 20% lực lượng lao động. "Do đó, người Thái Lan tập trung làm du lịch và rất thành công trong việc thúc đẩy khả năng tiêu tiền của du khách nước ngoài, đó là điều Thái Lan làm rất tốt. Cụ thể, Thái Lan liên kết chặt chẽ chuỗi tour du lịch, bao gồm: hàng không - khách sạn - doanh nghiệp - nhà hàng - các điểm mua sắm để đưa ra cho du khách mức giá tour rất thấp để từ đó khiến khách hàng thỏa mãn và chi tiêu gấp nhiều lần so với giá tour ban đầu. Ngược lại, Việt Nam chúng ta lại không đảm bảo được giá vé máy bay, giá phòng khách sạn hấp dẫn như vậy." - ông Nguyễn Tiến Đạt phân tích.

Theo đó, với du lịch Việt Nam, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lượng khách năm nay lựa chọn đi du lịch nước ngoài chiếm đông đảo do giá vé máy bay trong nước tăng cao. Do đó, đây là bất lợi rất lớn trong cuộc đua hút khách tới Việt Nam mà còn khiến thị trường du lịch nội địa thất thế so với hoạt động đưa khách đi du lịch nước ngoài. Với lợi thế vé máy bay giá "mềm", các tour du lịch đến Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Dubai... với mức giá dao động 8 - 20 triệu đồng/người, cho hành trình 4 - 5 ngày đang được nhiều khách quan tâm.

c

Thực tế, chúng ta đang "chậm chân" khi mở cửa du lịch sớm hơn với hy vọng rút ngắn khoảng cách, đuổi kịp Thái Lan nhưng kết quả năm 2022, Việt Nam chỉ đón khách quốc tế bằng 1/3 so với Thái Lan.

Cùng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ, giá sản phẩm du lịch ở Việt Nam đang cao hơn Thái Lan nên khó cạnh tranh, vì vậy các bên cần tăng cường liên kết để có sức cạnh tranh: "Việt Nam chúng ta bình quân 1 đêm là 60 USD, trong khi ở Singapore 55 USD, Malaysia 50 USD, Thái Lan 30 USD. Thái Lan thu hút khách du lịch rất nhanh, cả khách từ Việt Nam sang. Toàn bộ hệ thống của Thái Lan được kết nối thành chuỗi từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, dịch vụ và tất cả cùng chia nhau lợi nhuận, chứ không phải mỗi doanh nghiệp đều có một lợi nhuận riêng... Giá bán chúng ta cao hơn các nước trong khu vực và tính cạnh tranh chúng ta kém đi".

Đề xuất giải pháp, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cũng cho rằng các bên phải bắt tay nhau để tạo ra các chính sách giá thuận lợi nhất, nhằm thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Ông Võ Anh Tài nêu ví dụ từ chính doanh nghiệp của mình, khi Saigontourist Group trong năm 2023 đã sớm tung ra chương trình khuyến mãi quy mô lớn, kích cầu đồng loạt các dịch vụ phòng ngủ, ăn uống, hội nghị hội thảo, tour… với sự tham gia của trên 70 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, công ty lữ hành, khu giải trí với mức ưu đãi lên đến 50%.

"Cần thiết tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch dành cho khách quốc tế trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp như lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác phân phối lớn trong các hoạt động marketing du lịch; giữa doanh nghiệp và cơ quản lý nhà nước nhằm tạo ra các chính sách giá thuận lợi nhất cho du khách quốc tế nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm hấp dẫn du khách; tăng cường quảng bá tiếp thị trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm và các thị trường mới" – ông Võ Anh Tài đề xuất.

Cuối cùng, các chuyên gia và doanh nghiệp đồng lòng mong muốn cần phải xúc tiến các văn phòng đại diện của ngành du lịch Việt Nam và tăng cường vai trò của các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá thương hiệu quốc gia và du lịch Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng vòng du lịch vàng giữa Trung Quốc và Việt Nam

    03:00, 29/03/2023

  • Tăng sức cạnh tranh cho hàng không và du lịch

    02:30, 29/03/2023

  • Liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao du lịch

    22:42, 28/03/2023

  • Kết nối địa phương và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch

    14:45, 28/03/2023

  • Du lịch “tăng tốc” phục hồi

    14:39, 28/03/2023

MINH CHÂU