Phát triển du lịch văn hoá
Phát triển, quảng bá du lịch Việt bằng chính "nền móng" bản sắc văn hóa truyền thống sẽ là con đường phù hợp để lan tỏa giá trị thương hiệu du lịch Việt cũng như phát triển bền vững nền kinh tế xanh.
>>Nâng tầm giá trị văn hóa, di sản
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Du lịch văn hóa đã được UNESSCO định nghĩa là một loại hình du lịch, trong đó mục đích cơ bản của du khách là tìm hiểu khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể tại các điểm đến du lịch.
Theo ông Khánh, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành du lịch.
“Vì vậy, du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong việc thu hút thị trường khách nước ngoài cũng như phát triển du lịch nội địa... Theo thống kê của tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), thời điểm trước dịch Covid-19 du lịch văn hóa đã đóng góp 37% trong du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm” – Ông Khánh nói.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch sớm đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước. Vì vậy theo ông Khánh, việc phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên vô cùng cấp thiết.
>>“Điểm chạm” văn hoá
Bà Cao Thị Ngọc Lan – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã thành công trong việc khai thác các yếu tố văn hóa để phát triển du lịch như Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc... Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia, bà Lan đặt vấn đề, Việt Nam cũng nên coi việc khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch là hướng đi mới giúp cho ngành du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Chia sẻ với DĐDN, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng khẳng định, thật không sai khi nhận định du lịch phát triển và thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước chính là nhờ những nét “chấm phá” độc đáo mang bản sắc riêng của văn hoá Việt Nam. Văn hóa là nét đặc trưng, tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, mỗi điểm đến và chính là điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản văn hóa đã, đang và sẽ luôn là nhu cầu, xu hướng của các thị trường khách du lịch.
"Với những thành tích và lợi thế vốn có, có thể tự tin nói rằng, văn hóa chính là đòn bẩy và nền tảng để du lịch phát triển, vươn xa. Di sản văn hóa theo đó cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam." - Ông Tuấn nhấn mạnh.
Tiềm năng và tài nguyên du lịch văn hóa Việt Nam rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác một cách đúng tầm. Phát triển du lịch ở các khu vực di sản phải tuân thủ nghiêm các quy định chặt chẽ của UNESCO, các quốc gia và địa phương có di sản, trên tinh thần tôn trọng tối đa các giá trị nổi bật toàn cầu, tính nguyên vẹn của di sản.
Để thực sự tận dụng được nguồn tài nguyên và phát triển du lịch văn hóa Việt Nam, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam cần lựa chọn hướng đi đúng đắn trong phát triển du lịch văn hóa sao cho phù hợp để có hiệu quả nhất. Muốn phát triển du lịch văn hóa trước hết cần quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, khôi phục để phát huy được các giá trị của di sản văn hóa.
>>Khai mạc VITM Hà Nội 2023: Du lịch tập trung khai thác các giá trị văn hoá
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, một trụ cột quan trọng trong hoạt du lịch di sản bền vững là đảm bảo sự tham gia của người dân địa phương thông qua sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương và gia đình của họ. Chỉ khi nào người dân được đặt vào vị trí trung tâm trong phát triển du lịch di sản, được hưởng lợi từ di sản, tham gia vào các hoạt động bảo tồn, khai thác du lịch, trở thành một phần của di sản thì họ mới gắn bó máu thịt và đồng hành cùng với di sản. Sự cân bằng trong vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch di sản sẽ bị phá vỡ, nếu lợi ích, sinh kế của cộng đồng địa phương không được đảm bảo.
Với góc độ yếu tố con người, khi xác định hướng đi “văn hóa gắn với du lịch”, người làm du lịch phải có một trình độ nhất định, am hiểu về văn hóa hoặc được đào tạo căn bản về văn hóa nghệ thuật, để có thể tạo được những hiệu ứng từ các hoạt động biểu diễn, lưu lại được những giá trị và ấn tượng văn hóa trong lòng du khách, chứ không chỉ khai thác ánh sáng, âm thanh, mầu sắc đơn thuần...
"Điều quan trọng nhất tôi muốn chia sẻ với những con người đầy tâm huyết với du lịch, với văn hoá Việt Nam là hãy thổi hồn văn hoá vào du lịch, hãy khơi dậy và khai thác những di tích lịch sử, những truyền thuyết, những giá trị văn hóa nghệ thuật trở thành những sản phẩm du lịch, chương trình du lịch độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc ta." - ông Tuấn khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Ghi danh thêm 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
03:00, 21/02/2023
Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển
19:35, 12/12/2022
Di sản văn hóa là cội nguồn phát triển
00:05, 27/11/2022
Di sản văn hóa tạo động lực cho phát triển du lịch
03:00, 12/12/2022