Khai mạc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023

MINH CHÂU 21/04/2023 23:00

Chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục đặc sắc được trình diễn trong đêm khai mạc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023.

>>Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam 2023 có gì đặc biệt?

Tối 21/4, tại Quảng trường Hùng Vương (TP. Việt Trì, Phú Thọ), đã diễn ra Lễ khai mạc Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023 và Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”, là nơi hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa của mọi miền Tổ quốc, sẽ mang đến cho du khách và nhân dân hành hương về với cội nguồn đất Tổ những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc.

Đặc biệt, lễ hội là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường 20 năm, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong triển khai các chương trình hành động về bảo vệ di sản văn hóa thế giới theo tinh thần của Công ước. Các di sản văn hoá Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn. Đồng thời, góp phần đưa văn hiến Việt Nam cùng tỏa sáng trong dòng chảy văn minh của thế giới.

Việc giữ gìn, xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn, như đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong thông điệp tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Với 15 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, Việt Nam là một trong số những quốc gia giàu tài nguyên văn hóa trong cộng đồng hết sức độc đáo trên thế giới. Các di sản văn hóa này cùng với hệ giá trị đậm đà bản sắc đã được hun đúc, định hình nên hồn cốt Dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Tự hào được kế thừa những di sản văn hóa quý báu từ các thế hệ tiền nhân, chúng ta cũng ý thức được rằng trong việc bảo tồn văn hoá dân tộc xây dựng thiết chế văn hoá truyền thống cộng đồng, bởi giá trị văn hóa chỉ trường tồn khi trở thành nét truyền thống, một phần không thể thiếu trong đời sống của xã hội Việt Nam.

>>Phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc

Các tiết mục trong chương trình đều mang tính nghệ thuật cao, nổi bật không gian lễ hội, đậm nét văn hóa các vùng, miền.

Các tiết mục biểu diễn trong chương trình đều mang tính nghệ thuật cao, đậm nét văn hóa các vùng, miền.

Trong khuôn khổ buổi Lễ khai mạc, ông Chritian Hanhart – Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết: “UNESCO rất mừng bởi Chính phủ Việt Nam đã đề cao tầm quan trọng của việc phát huy mọi khía cạnh văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế. Để di sản sống được chuyển giao cho các thế hệ sau thì di sản cần được coi trọng và cần được đánh giá đúng và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được các quốc gia thành viên UNESCO thông qua tại kỳ họp của Đại hội đồng vào tháng 11/2003 chính là công cụ thể hiện đầy đủ vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam là quốc gia thành viên đã phê chuẩn công ước chưa đầy hai năm sau đó và hiện đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh”.

Với thành công này Việt Nam đang đảm nhận những vai trò của mình quan trọng trong hầu hết các hoạt động của UNESCO. Việt Nam cũng cho thấy có thể chia sẻ bài học thành công của mình với các quốc gia khác trong lĩnh vực văn hóa.

Với điểm nhấn là tôn vinh văn hóa Đất Tổ- Phú Thọ, địa phương có 2 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh đó là Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng và Hát Xoan. Ngoài các phần hợp diễn về múa, nhạc, các ca khúc ca ngợi Đất Tổ Hùng Vương, ca ngợi Tổ quốc, đặc biệt là màn trình diễn của 12 di sản của Việt Nam.

Chương trình được kết cấu khéo léo đặc biệt là hình thức biểu diễn các di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, niềm tự hào của người dân Việt đã được UNESCO ghi danh đó là: Hát Then, Ca Trù, nghệ thuật xòe Thái, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Dân ca Ví- Giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, nghệ thuật Bài Chòi, Đờn ca tài tử, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên….

Các hình thức di sản được trình diễn xuyên suốt liên tục trên sân khấu qua sự dàn dựng của ê kíp sáng tạo, bằng thiết kế của nghệ thuật, hình ảnh, âm thanh, phối khí... mang lại nhiều hiệu ứng làm tôn vinh các vùng, miền di sản nổi tiếng. Qua chương trình giúp khán giả cảm nhận được giá trị của di sản gốc một cách tốt nhất, từ đó thêm tình yêu, niềm tự hào về những giá trị văn hóa đã được cha ông ta dựng xây, vun đắp và trao truyền  qua nhiều thế hệ..

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch inbound của Việt Nam hứa hẹn 1 năm bùng nổ

    12:00, 21/04/2023

  • Đón lễ 30/4 & 1/5 tại các thiên đường du lịch lớn nhất châu Á chỉ từ 0 đồng

    09:30, 20/04/2023

  • “Hành trình du lịch văn hóa, lịch sử chùa Thầy năm 2023”

    17:13, 19/04/2023

  • Charter flight nhìn từ góc độ tiềm năng phát triển du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản

    15:04, 15/04/2023

MINH CHÂU