Quảng Ninh: Giao thông mở đường cho du lịch "cất cánh"
Thời gian qua, Quảng Ninh đã xây dựng hoàn thiện hệ hạ tầng giao thông kết nối nhằm tạo lợi thế và tăng sức cạnh tranh cho ngành Du lịch.
>>>Quảng Ninh: Đưa vào khai thác tuyến đường kết nối di sản
Lợi thế từ giao thông
Hơn 10 năm trước, bức tranh hạ tầng của Quảng Ninh khi đó còn gắn với “3 không” - không đường cao tốc, không sân bay, không cảng tàu biển quốc tế. Tuy vậy, 1 thập kỷ qua, Quảng Ninh đã đột phá mạnh mẽ trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông.
Theo ông Vũ Văn Quỳnh - Du khách Thái Bình, trong 5 năm trở lại đây, tôi có dịp trở lại Quảng Ninh không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng về diện mạo, cảnh quan, hạ tầng giao thông, du lịch của một tỉnh năng động bậc nhất miền Bắc. Hàng loạt các dự án đầu tư mới về cơ sở hạ tầng đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo ấn tượng mới cho thương hiệu du lịch Quảng Ninh. Đặc biệt, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng khi hoàn thành sẽ rút ngắn đường từ thành phố lớn của Quảng Ninh đi Hà Nội từ 180 km còn 130 km, thời gian đi ôtô giảm từ 3,5 giờ xuống còn 1,5 giờ. Chiều dài quãng đường từ Hải Phòng đi Hạ Long giảm 2/3 (từ 75 km còn 25 km).
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Những năm qua tỉnh đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Từ đó hình thành nên chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km kết nối đồng bộ 4 trung tâm du lịch, kết nối các di tích, kỳ quan nổi bật của tỉnh. Đặc biệt tuyến đường đã rút ngắn 1/2 thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đến trung tâm du lịch Hạ Long, đến địa đầu Tổ quốc Móng Cái; qua đó tạo lực hút mạnh mẽ để du khách đến với vùng đất xa nhất tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh: Tuyến cao tốc đưa vào khai thác tháng 9/2022, dù là mùa du lịch thấp điểm, tuy nhiên Trà Cổ nhanh chóng sôi động, mũi Sa Vĩ tấp nập dòng người tham quan; hàng loạt khách sạn, nhà hàng tại Móng Cái hoạt động sôi động trở lại, có lúc trở nên quá tải. Năm 2022 hơn 150.000 du khách đến Móng Cái trong dịp lễ Quốc khánh 2/9, một con số chưa từng có, thậm chí cao hơn cả Hạ Long cùng thời điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Việt – GĐ Công ty Du lịch Travel Việt Xanh, để đến với Quảng Ninh, du khách có thêm lựa chọn Sân bay Vân Đồn - sân bay mới hàng đầu châu Á năm 2019 do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới bình chọn. Cùng với việc khai thác thương mại với các đường bay nội địa, Sân bay Vân Đồn thường xuyên đón các chuyến bay charter từ nhiều quốc gia trên thế giới với sự đánh giá hài lòng rất cao từ phía du khách.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam, là nơi hội ngộ của các chuyến tàu du lịch đẳng cấp quốc tế. Cùng với đó là chuỗi cảng du lịch được đầu tư đồng bộ, khai thác theo mô hình “một điểm đến, nhiều tiện ích”, như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu - cửa ngõ đưa khách đến với Di sản, Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long; Cảng cao cấp Ao Tiên được thiết kế theo chủ đề không gian xanh - cửa ngõ mới để Quảng Ninh khai thác hiệu quả lợi thế du lịch biển đảo vốn đang rất được ưa chuộng.
Cùng với hạ tầng giao thông đối ngoại, hạ tầng giao thông đối nội của Quảng Ninh cũng hiện rõ tính chất kết nối liên thông, tổng thể và liền mạch. Song song với các tuyến đường trục chính, các tuyến đường du lịch mới, kết nối đến các trung tâm du lịch được hình thành.
Điển hình như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, trục cảnh quan ven biển đẹp của Quảng Ninh, nối liền Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long với các công trình kiến trúc ấn tượng, các trung tâm thương mại, mua sắm, chợ đầu mối... vốn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình của khách du lịch. Cùng với đó là đường vào Khu di tích Yên Tử (TP Uông Bí), làng quê Yên Đức (TX Đông Triều), vùng cao Bình Liêu được làm mới, mở rộng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu di chuyển của du khách.
Quảng Ninh đã hình thành mạng lưới giao thông thống nhất trong toàn tỉnh, có quy mô phù hợp với từng vùng, từng địa phương, hình thành những trục giao thông kết nối các cụm, khu vực phát triển kinh tế, du lịch, tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có. Từ đó từng bước phá rào cản ngăn cách giữa các vùng miền, giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng, mở đường để du lịch cất cánh, trở thành động lực quan trọng trong phát triển xanh mà tỉnh đang tập trung thực hiện.
Níu chân du khách bằng những điểm đến
Với hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại từ đường bộ, đường biển, đường hàng không, sự đa dạng về loại hình du lịch như du lịch tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch khám phá - trải nghiệm, du lịch vùng cao - biên giới…, cùng phong phú hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn, du lịch Quảng Ninh – Hạ Long đã thực sự “bùng nổ” dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 khi ước đón gần 1 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh: Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh củng cố vị thế là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, thu hút du khách từ khắp năm châu và trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến Việt Nam.
Để triển khai mục tiêu này, tỉnh tập trung giải quyết 7 vấn đề để thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó hạ tầng giao thông được ưu tiên thực hiện với niềm tin là động lực chính để du lịch phát triển bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng kinh tế.
Sau tròn 10 năm, đến nay hạ tầng giao thông của tỉnh đã sớm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đề ra. Minh chứng bằng việc nhanh chóng lan tỏa niềm tin, kỳ vọng để nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn tại Quảng Ninh, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, như: Khu du lịch quốc tế, sân golf Tuần Châu; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử - MGallery; Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf FLC Hạ Long... trở thành các sản phẩm đặc sắc thu hút du khách.
Từ nền tảng vững chắc đó, tỉnh đã mở rộng không gian phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch 4 mùa, kinh tế đêm, kinh tế số trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của các dự án mới, các sản phẩm độc đáo với mức chi tiêu cao, khai thác tối đa hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế, cùng nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn. Đây chắc chắn là lợi thế riêng biệt để Quảng Ninh thu hút dòng khách quốc tế trở lại, đặc biệt từ những thị trường có nhu cầu du lịch golf cao, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tỉnh chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm, gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền Đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh..., đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Từ hạ tầng giao thông đồng bộ, những dòng vốn khổng lồ liên tục đổ về cùng với các nhà đầu tư tiềm năng đã minh chứng cho cách làm quyết liệt, sáng tạo, điều này đã đưa tỉnh lên một tầm cao mới. Quảng Ninh là một điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình du lịch tại Việt Nam.
Không chỉ chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, tạo không gian, dư địa mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển mạnh mẽ, Quảng Ninh còn không ngừng đa dạng hoá các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch mới, cùng các hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm, nghỉ dưỡng đa sắc màu, hấp dẫn để tạo cho du khách được hưởng thụ những dịch vụ, kỳ nghỉ trọn vẹn, ấn tượng nhất.
Quảng Ninh đã và đang quyết tâm trở thành trung tâm du lịch quốc tế đẳng cấp, hấp dẫn, trọng điểm du lịch của cả nước, có sức cạnh tranh cao, tiếp tục đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh không ngừng đầu tư về mọi mặt qua đó lan toả về vùng đất với nhiều điểm đến đặc sắc, hấp dẫn, đa sắc màu văn hoá, hội nhập, an toàn, thân thiện, mến khách.
Có thể bạn quan tâm