Quảng Ninh: Đánh thức tiềm năng du lịch trải nghiệm vùng núi
Để xóa khoảng các giữa vùng núi và thành thị, Quảng Ninh đã chú trọng gắn với liên kết vùng, phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm có sự tham gia của cộng đồng.
>>>Du lịch Quảng Ninh: Nhiều điểm cộng để hút khách quốc tế
Khám phá núi rừng
Những năm trở lại đây, mảnh đất miền núi biên giới Bình Liêu - Quảng Ninh đã trở nên quen thuộc với tín đồ yêu thích du lịch khám phá. Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh quan tươi đẹp cùng nền văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số, Bình Liêu thu hút du khách bởi những trải nghiệm sinh thái, văn hóa cộng đồng độc đáo.
Theo lãnh đạo huyện Bình Liêu – Quảng Ninh: Từ năm 2015, khi Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/7/2015 “Về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030” và đến năm 2020, khi được UBND tỉnh công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, Bình Liêu đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch mới... nhằm thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" trên địa bàn huyện phát triển tương xứng với tiềm năng. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng.
Năm 2022, Bình Liêu đón 100.000 lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 53 tỷ đồng. Du lịch Bình Liêu đã từng bước khẳng định sự phát triển đúng hướng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Còn theo lãnh đạo huyện Tiên Yên: Tiên Yên là huyện miền núi, có vị trí trung tâm của miền Đông, có địa hình trải rộng. Hệ thống rừng ngập mặn trải dài ven biển với trên 2.000ha được đánh giá là đa dạng sinh học nhất miền Bắc. Nơi đây còn có nhiều phong cảnh đẹp như thác Pạc Sủi, ruộng bậc thang, đồi núi hùng vỹ. Toàn huyện hiện có 21 di tích lịch sử, văn hóa được kiểm kê trong đó có 5 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận cấp tỉnh.
Bề dày lịch sử, văn hóa, có nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp... đã tạo cho Tiên Yên nét riêng có, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình khác nhau, như: Trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống, cùng với việc bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống, phố đi bộ Tiên Yên cũng góp phần tạo cho địa phương nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị. Đây là những điểm khác biệt, là những tiềm năng, nguồn tài nguyên vô giá để Tiên Yên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa với bản sắc riêng, thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Tiên Yên hiện đang chú trọng phát triển du lịch gắn với liên kết vùng. Địa phương từng bước xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm có sự tham gia của cộng đồng... gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ngay từ đầu năm 2023, Tiên Yên đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch. Trong đó, đặt mục tiêu phát triển du lịch phải gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo định hướng xây dựng Tiên Yên trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc. Huyện phấn đấu tổng khách du lịch đến tham quan trong năm đạt trên 100.000 lượt.
Cơ hội phát triển
Được biết, tuyến đường Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động (đầu tháng 9/2022) là cơ hội cho sự phát triển du lịch của các địa phương khu vực. Cao tốc giúp nối dài những chuyến đi của du khách nhanh hơn, thuận tiện hơn, thậm chí là ngay cả với những du khách nội tỉnh.
Tuy nhiên điều này cũng tạo ra không ít thách thức cho huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh Bởi lẽ, khi có cao tốc, đa số khách du lịch đi thẳng Hạ Long - Móng Cái và ngược lại, đồng nghĩa với lượng khách qua Bình Liêu, Tiên Yên... hoặc dừng chân tại huyện giảm đi đáng kể. Theo ông Phạm Văn Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên: Cùng với kế hoạch phát triển du lịch năm 2023, huyện đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch thúc đẩy phương án phát triển du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái trên địa bàn huyện Tiên Yên. Đặc biệt, huyện hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí.
Bên cạnh đó là tập trung quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư tạo một số sản phẩm du lịch có quy mô, chất lượng cao dọc tuyến cao tốc như: Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của địa phương tại nút giao Mũi Chùa; cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng chất lượng cao đảm bảo đúng các quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Theo ông Hoài, huyện cũng đang tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, như: Chỉnh trang phố đi bộ; xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ; hoàn thành đường giao thông kết nối từ trung tâm xã Đại Dực sang xã Đại Thành (cũ)...
Huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ phục vụ du khách. Trong đó, xây dựng các tour du lịch để giữ khách lưu trú tại Tiên Yên, như xây dựng các tour du lịch 2 ngày, 1 đêm tại Tiên Yên; xây dựng các tour du lịch kết nối Tiên Yên và Bình Liêu (2 ngày, 1 đêm) gửi đến các công ty lữ hành. Năm 2022, huyện Tiên Yên có 85.000 lượt khách đến tham quan. Phấn đấu năm 2023, huyện sẽ đạt trên 100.000 lượt khách. Theo đánh giá của UBND huyện, từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch của huyện đang có những tín hiệu khả quan. Đáng chú ý, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, có 13.180 lượt khách đến với các điểm du lịch ở Tiên Yên, doanh thu ước đạt trên 5,5 tỷ đồng (tăng gần 11.000 lượt khách so cùng kỳ năm 2022).
Bà Nhữ Thị Ngần - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội (HanoiTourism), cho biết: Tháng 7/2022, UBND huyện Bình Liêu và HanoiTourism đã ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch.
Với mục tiêu đồng hành cùng địa phương phát triển du lịch bền vững, việc Đề án phát triển du lịch Bình Liêu được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành với những định hướng phát triển cụ thể sẽ tạo cơ sở để doanh nghiệp và địa phương phối hợp phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa trên cơ sở tôn trọng tính truyền thống, bản sắc văn hóa bản địa, góp phần xây dựng điểm đến du lịch Bình Liêu chất lượng, thân thiện và an toàn.
Theo ông Nguyễn Việt Phương - Phó giám đốc Vietravel cho biết: Để níu chân du khách các địa phương cần sự chuẩn bị dài hơi hơn cho các cơ sở lưu trú phục vụ du khách. Tạo ra các sản phẩm du lịch mới (Hội hoa Sở Bình Liêu, bay dù lượn, các trò chơi dân gian gắn với văn hóa du lịch...) .Trong đó, đặt mục tiêu phát triển du lịch phải gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo định hướng xây dựng các huyện miền núi trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc. Chắc chắn các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh sẽ hiện thực hoá, tạo đột phá thực sự trong phát triển du lịch.
Có thể bạn quan tâm