Kinh tế biển Quảng Ninh (Kỳ I): Dấu ấn ngành “công nghiệp không khói”
Du lịch biển là thế mạnh của kinh tế biển Quảng Ninh. Tuy nhiên, để phát triển du lịch biển với tầm vóc mạnh và bền vững thì Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm.
>>Du lịch Quảng Ninh: Nhiều điểm cộng để hút khách quốc tế
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trong tổng số lượng khách du lịch đến Quảng Ninh thì có khoảng 70% du khách lựa chọn và tham gia các tour tuyến biển đảo. Điều đó cho thấy du lịch biển đang chiếm ưu thế.
Điểm nhấn du lịch biển
Ông Nguyễn Đình Hiệp (phường Bình Hàn, TP. Hải Dương) nhớ lại, trước năm 2000 đến Quảng Ninh vào mùa hè chỉ có điểm đến duy nhất là biển Bãi Cháy. Những điểm du lịch khác thì xa, đi lại khó khăn và gần như chẳng ai biết đến. Thậm chí, bước ra khỏi Bãi Cháy thì bụi than bám đầy, đen nhẻm. Thế nhưng vài năm trở lại đây, đến Quảng Ninh không biết chọn điểm nào bởi có quá nhiều các điểm tham quan, các bãi biển mới và đặc biệt là các tour tuyến du lịch biển hấp dẫn.
Chiến lược “bẻ lái” từ công nghiệp khai thác mỏ sang phát triển kinh tế xanh, cụ thể là du lịch đã giúp Quảng Ninh “lột xác” nhanh chóng. Với sự đầu tư “mạnh tay” và chiến lược thu hút vào hạ tầng du lịch giai đoạn gần đây lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng đã giúp Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn của không chỉ du khách nội địa mà cả du khách quốc tế. Các tập đoàn lớn như: Sun group, Vingroup… đầu tư hạ tầng du lịch với những sản phẩm du lịch hấp dẫn đã mang đến cho Quảng Ninh một diện mạo xứng tầm, là “địa chỉ vàng” trên bản đồ du lịch.
Những năm trước dịch COVID-19, trung bình mỗi năm Quảng Ninh đón từ 11 – 14 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 1/3 là du khách nước ngoài. Mỗi năm, ngành du lịch mang lại cho Quảng Ninh nguồn thu lên đến trên 20 nghìn tỷ đồng– bằng cả tỉnh khác trong nước. Và mức tăng trưởng bình quân ngành mỗi năm ước khoảng 2 con số. Chỉ tính riêng lượng khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long thời điểm trước dịch COVID-19 lên đến gần 5 triệu lượt khách/năm, doanh thu từ phí tham quan danh thắng này cũng lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2023 được đánh giá còn nhiều khó khăn, nhưng du lịch Quảng Ninh vẫn kỳ vọng đón gần 15 triệu lượt du khách và doanh thu đạt khoảng trên 30 nghìn tỷ đồng.
Ngoài Vịnh Hạ Long, những cái tên như Vịnh Bái Tử Long, Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, Trà Cổ,... đã ngày càng cho thấy sức hút đối với du khách và khẳng định vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch biển đảo của cả nước. Du lịch biển đảo Quảng Ninh còn có sức hút đặc biệt đối với khách du lịch bằng tàu biển quốc tế. Thời gian qua, rất nhiều hãng tàu biển quốc tế lớn trên thế giới đã chọn Hạ Long là điểm đưa khách du lịch đến tham quan.
Cần giải pháp bền vững
Theo nhiều chuyên gia, với những ưu thế vốn có và cùng sự đầu tư thu hút mạnh mẽ cả về hạ tầng du lịch lẫn hạ tầng giao thông, du lịch Quảng Ninh vẫn có thể sẽ vươn xa hơn nữa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều việc cần bàn trong chiến lược phát triển dài hơi cho du lịch biển Quảng Ninh.
Tại Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Quảng Ninh phải có thêm những sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, tiêu biểu để phục vụ du khách. “Với tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, nổi trội, Quảng Ninh cần tính toán mở sản phẩm gì, không nên dàn hàng ngang, mà phải chọn có trọng tâm, trọng điểm, để trở thành những sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ du lịch biển Quảng Ninh chưa thật sự bền vững và chưa chiếm được vị trí quan trọng trong các chương trình du lịch Việt Nam của các hãng lữ hành quốc tế. Quảng Ninh còn nhiều tài nguyên du lịch biển đảo có giá trị nổi bật nhưng chưa phát triển được sản phẩm tương xứng. Thắng cảnh độc nhất vô nhị và kỳ thú của vịnh Bái Tử Long và Cô Tô vẫn chưa có khu nghỉ dưỡng cao cấp xứng tầm và các thương hiệu mạnh xuất hiện.
Ngoài ra, việc tăng nhanh về số lượng du khách đang đe dọa môi trường tự nhiên, đặc biệt ở Vịnh Hạ Long, nếu không có giải pháp quản lý, xử lý hiệu quả nguồn rác thải và nước thải.
Thêm nữa, nguồn nhân lực du lịch của Quảng Ninh là vấn đề đáng bàn. Hiện nay, nguồn nhân lực du lịch tập trung nhiều nhất tại Hạ Long. Nếu so với tốc độ phát triển nhanh ở các địa phương, thì với nguồn nhân lực hiện tại có phần không theo kịp. Quảng Ninh chủ yếu sử dụng những nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó những người có trình độ chuyên môn đã qua đào tạo bài bản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn, chưa có nhiều lao động thành thạo nhiều ngoại ngữ, gây những cản trở nhất định trong việc giao tiếp với du khách nước ngoài.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký thừa nhận bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Ninh cũng thẳng thắn nhận thấy, về tổng thể, phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, tỉnh sẽ kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm