Nới chính sách visa để du lịch Việt Nam "cất cánh"
Việc khách quốc tế nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hay không phụ thuộc chính sách visa. Thay đổi chính sách visa là "bước ngoặt" và được cho là "đôi bên cùng có lợi".
>>Điều chỉnh chính sách visa, tin vui cho du lịch Việt
Mới đây, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi luật, trong đó đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên tối đa 3 tháng, thị thực điện tử (e-visa) có giá trị nhiều lần thay vì một lần như trước, mở rộng diện cấp e-visa (hiện có 80 nước) và nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày, nâng số nước đơn phương cấp thị thực (hiện 25 nước).
Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, tháo gỡ thủ tục visa chính là chìa khóa để Việt Nam phục hồi tốt hơn, du lịch Việt Nam “cất cánh".
Chia sẻ về thông tin này, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cởi mở trong chính sách visa là "đôi bên cùng có lợi". Khi chính sách visa cởi mở hơn được Quốc hội thông qua, Việt Nam hứa hẹn thu hút nhiều du khách quốc tế hơn và với thời gian lưu trú của họ được lâu hơn, chi tiêu của du khách sẽ lớn hơn.
Việc khách quốc tế nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hay không phụ thuộc chính sách visa. Độ mở về chính sách visa theo Nghị quyết 82/NQ-CP là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch Việt Nam và lữ hành của điểm đến.
Bênh cạnh đó, PGS.TS Phạm Hồng Long đề xuất việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia. Thủ tục visa tại chỗ cũng cần thuận tiện, dễ dàng hơn cho du khách. Các thị trường khách có mức chi tiêu cao như Đức, Italy, Thụy Sĩ, Thụy Điển,... cần được tăng số ngày lưu trú lên tối đa 3 tháng.
Theo ông Long, nhiều quốc gia đã và đang tạo đòn bẩy du lịch hiệu quảtừ chính sách visa. Singapore miễn visa cho công dân 162 nước; du khách nước ngoài có thể lưu trú tới 90 ngày và có thể tiếp tục gia hạn thêm từ 30 đến 89 ngày. Gần đây, Singapore còn công bố chính sách "visa tinh hoa" với thị thực có thời hạn 5 năm.
>>Kiến nghị Việt Nam mở rộng danh sách miễn visa cho các nước EU
Các chuyên gia du lịch cũng đánh giá, visa không phải là giải pháp duy nhất để thu hút khách đến Việt Nam và nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến nhưng là giải pháp hàng đầu.
Thực tế, hiện nay, khách truyền thống (khách đoàn, qua các công ty bảo lãnh) đã giảm đi nhiều và khách có xu hướng tự apply e-visa để đi du lịch nước ngoài. Vì thế, khả năng vào Việt Nam của các nhóm lẻ rất cao, kể cả với các thị trường lớn, đó sẽ là một cuộc cách mạng.
Sự thay đổi cơ bản này của điểm đến Việt Nam là điều mà khách muốn thay đổi nhất để tạo điều kiện đi lại thuận lợi và cũng có thể giúp chúng ta lấy lại đà tăng trưởng như trước khi xuất hiện dịch Covid-19, thậm chí ngay trong năm sau chúng ta có thể đạt 20 triệu lượt khách quốc tế.
Để cộng hưởng với tin vui này, sắp tới, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa nhiều biện pháp kích cầu du lịch quốc tế, kích thích mua sắm, liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ để ngày càng tiến gần mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm
Mở rộng liên kết phát triển du lịch
03:40, 28/05/2023
Kỳ vọng bứt phá của doanh nghiệp dịch vụ và du lịch
03:00, 25/05/2023
Cẩm nang sinh tồn cho ngành du lịch, khách sạn Việt Nam
03:00, 25/05/2023
Du lịch tăng trưởng song còn nhiều thách thức
02:00, 24/05/2023