Du lịch Hà Nội kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng
Sở Du lịch Hà Nội thông tin, trong tháng 5/2023, ước tính Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022, giảm 8% với tháng 4/2023.
>>Hà Nội tặng quà cho du khách viếng Lăng Bác
Trong 5 tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt hơn 316 nghìn lượt, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022, giảm 21% so với tháng 4/2023. Khách du lịch nội địa ước đạt 1,7 triệu lượt khách, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022 và so với tháng 4/2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 7,26 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 11,4% so với tháng 4/2023.
Thống kê 5 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 10 triệu lượt, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,71 triệu lượt, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, tăng 92,4% với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động cơ sở lưu trú, tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng, trong đó có 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 25.550 phòng, chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 đến 5 sao ước đạt khoảng 65,7%, tăng 0,2% so với tháng 4/2023 và tăng 20,5% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 60,1% tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 5 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện phục vụ miễn phí du khách tham quan Hà Nội bằng xe buýt hai tầng trong kì nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5; Phối hợp với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức trao tặng các phần quà đến du khách cả nước khi viếng thăm Lăng Bác.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, hiện Sở phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành đầy đủ các nội dung liên quan đến quy hoạch cụm du lịch trọng điểm, mạng lưới các điểm đến du lịch trọng điểm gắn với không gian quy hoạch chung của Thủ đô trong Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để đạt mục tiêu đón 22 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đang tăng cường các đoàn khảo sát, phối hợp các quận, huyện để xây dựng những sản phẩm du lịch mới, như du lịch golf, các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô... gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại các quận, huyện, thị xã.
Bên cạnh đó, sở đang phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm: Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm, khu vực Ba Vì… Sở đề nghị các địa phương cần cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng nội khu, hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng dịch vụ tại các bến cảng đường thủy phục vụ phát triển các tuyến du lịch đường thủy.
>>Vì sao Việt Nam là điểm đến yêu thích của du khách Hàn Quốc và Trung Quốc?
Mặt khác, để có được kết quả tích cực này, không thể không kể đến sự ủng hộ và sát cánh của cộng đồng doanh nghiệp trong mọi sản phẩm, mọi hoạt động du lịch của Thủ đô. Sở Du lịch Hà Nội được đánh giá là địa phương có nhiều thay đổi về tư duy tiếp cận thị trường và phát triển du lịch rất tiến bộ.
Bà Nhữ Thị Ngần - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) cho biết, Sở Du lịch Hà Nội là một trong các địa phương mà chúng tôi hợp tác đã chủ động kết nối với doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp vào công tác tham mưu, tư vấn, triển khai và phối hợp thực hiện các đề án du lịch, các kế hoạch phát triển du lịch, các hoạt động dự án thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch. Qua đó, làm tăng sức hấp dẫn của điểm đến trong mắt du khách, thu hút du khách biết đến và lưu trú dài hạn, tiêu dùng du lịch tại điểm đến tăng cao hơn, tăng sự hài lòng của du khách về điểm đến.
"Sự kết nối chặt chẽ giữa địa phương và doanh nghiệp du lịch sẽ làm cho những giá trị nguyên bản của địa phương trở nên hài hòa, dễ thấu hiểu và đẹp hơn, phù hợp hơn với nhiều đối tượng du khách hơn. Không phải du khách nào cũng hiểu được giá trị văn hóa sâu sắc của địa phương, chính doanh nghiệp là đơn vị truyền tải, quảng bá và đưa giá trị văn hóa của địa phương đến với du khách một cách tự nhiên, thân thiện và lan tỏa hiệu quả hơn.
Địa phương cũng thông qua doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến của du khách để điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với nhu cầu thị trường, vừa giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, vừa phát huy lợi thế cho du lịch và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Sở Du lịch Hà Nội là một địa phương tiêu biểu và luôn đồng hành với doanh nghiệp du lịch" - bà Ngần chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Nới chính sách visa để du lịch Việt Nam "cất cánh"
03:00, 29/05/2023
Hà Nội tặng quà cho du khách viếng Lăng Bác
08:29, 19/05/2023
Phát triển du lịch cộng đồng tại Hà Nội
05:00, 12/05/2023
Hà Nội đột phá trong thu hút FDI
03:20, 09/05/2023
Hà Nội đón gần 720 nghìn lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ
16:00, 03/05/2023