ĐBQH: Du lịch Việt Nam "đi trước về sau" vì chính sách visa chưa đủ cởi mở
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm cho ý kiến là nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
>>ĐBQH kiến nghị các chính sách để phát triển du lịch Việt
Chiều 2/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm cho ý kiến là nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Chính sách visa chưa đủ cởi mở
Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội) cho hay, là người làm việc trong lĩnh vực đối ngoại cũng như xúc tiến thương mại đầu tư, điều day dứt của ông suốt trong thời gian qua là vấn đề thủ tục visa của Việt Nam.
Có thể nói Việt Nam đang là một quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch và là một địa điểm hàng đầu trong thu hút đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta lại như một nước "đi trước về sau" trong du lịch. Chúng ta kiềm chế COVID-19 rất tốt, mở cửa về du lịch rất sớm, sớm hơn rất nhiều nước ASEAN.
“Nhưng chúng ta lại không đạt được thành quả như họ là vì chính sách visa của chúng ta chưa đủ cởi mở”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định.
Theo đại biểu Lộc, với những thay đổi trong chính sách visa, đây thực sự là một bước đột phá. Đại biểu hoàn toàn hoan nghênh chủ trương về việc cấp visa điện tử và được sử dụng nhiều lần thay cho một lần, nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, mở rộng diện, điều kiện cấp visa điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ.
Về việc khai báo hộ chiếu trên môi trường điện tử, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đối với người nước ngoài và đối với cộng đồng quốc tế, đây là một bước tiến rất lớn.
Tăng thời gian thị thực từ 30 ngày sang 3 tháng
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) thống nhất với việc tăng thời gian thị thực cho người nước ngoài được cấp mã thị thực điện tử từ 30 ngày sang 3 tháng.
>>Vì sao Việt Nam là điểm đến yêu thích của du khách Hàn Quốc và Trung Quốc?
Theo ông, việc thay đổi này là thời gian phù hợp cho khách nước ngoài, nhất là khách du lịch có một chuyến đi đủ dài cho nghỉ dưỡng, tham quan, chữa bệnh hoặc công tác, không chỉ phù hợp cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam mà còn cho các doanh nghiệp quốc tế.
“Vì vậy, tôi đề xuất nên xem xét cho phép thời gian tạm trú lên 60 ngày vì các nước như Thái Lan và Singapore là 45 và 90 ngày, từ đó quy định của Việt Nam từng bước tương đồng với các nước trong khu vực”, đại biểu Phương nói.
Tuy nhiên, đại biểu Phương cho rằng, nên ghi là "90 ngày" thay vì “3 tháng”, vì ông thấy đối với các nước khi cấp thị thực ngắn hạn họ đều ghi ngày chứ không ghi tháng và thị thực này có giá trị một lần trở thành có giá trị một hay nhiều lần.
Ngoài ra, ông kiến nghị nên xem xét cho loại thị thực đối với các chuyên gia không thuộc diện cấp giấy phép lao động như LD1, họ sang làm việc cho các dự án khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, nhất là ở các trường đại học và viện nghiên cứu được tối đa là 5 năm và có giá trị xuất, nhập cảnh một hay nhiều lần. Điều này rất thuận tiện cho họ đến và cũng như chúng ta sẽ thu hút được nhiều chuyên gia đến với Việt Nam.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) còn băn khoăn về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam trong dự thảo luật.
Theo đại biểu, vấn đề này vẫn chưa nhiều so với các quốc gia trong khu vực, có một số quy định chưa rõ. Hiện nay, trong số 11 quốc gia Đông Nam Á chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống; Campuchia, Lào và Đông Timor cũng đã ít nhất áp dụng chính sách cấp thị thực khi nhập cảnh cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống.
Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia đã miễn thị thực trong 30 đến 90 ngày với khách du lịch quốc tế từ hầu hết các thị trường chính của những nước này.
Hiện tại, Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15 đến 50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Số lượng quốc gia có khách du lịch Việt Nam được miễn thị thực cũng chỉ bằng 5 đến 15% so với các nước ASEAN.
Từ thực tiễn trên, đối chiếu với các điều khoản sửa đổi về thị thực trong dự thảo luật, tôi nhận thấy việc sửa đổi về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam cũng chưa tăng nhiều thời gian như các quốc gia trong khu vực.
Bổ sung loại thị thực đa mục đích
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng đề nghị, bổ sung loại thị thực đa mục đích, nhất là đối với thị thực cho khách nước ngoài vào dự hội nghị, hội thảo và thị thực cho người nước ngoài vào thăm, làm việc với các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và địa phương.
Thực tế cho thấy, rất nhiều khách nước ngoài sau khi vào làm việc, dự hội nghị ở Việt Nam đều có mong muốn được kết hợp đi du lịch, trong nhiều trường hợp là du lịch tự túc, không qua công ty lữ hành. Với những đối tượng này, theo quy định hiện hành thì sẽ phải xin cấp thị thực du lịch sau khi kết thúc chương trình làm việc chính thức.
Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, việc bổ sung quy định thị thực đa mục đích kết hợp làm việc, dự hội nghị, hội thảo và du lịch sẽ giảm thiểu thủ tục cho du khách và góp phần kích cầu du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Du lịch Hà Nội kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng
02:30, 01/06/2023
Nới chính sách visa để du lịch Việt Nam "cất cánh"
03:00, 29/05/2023
Mở rộng liên kết phát triển du lịch
03:40, 28/05/2023
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản du lịch nông nghiệp
03:00, 27/05/2023
Thiếu hành lang pháp lý, mô hình bất động sản du lịch nông nghiệp khó phát triển
01:30, 26/05/2023