Đa dạng hóa thị trường khách quốc tế đến Quảng Nam
Trong công cuộc khôi phục ngành du lịch, tỉnh Quảng Nam lên phương án xúc tiến các thị trường khách quốc tế truyền thống cũng như tìm kiếm thêm thị trường mới nhằm đa dạng hóa khách du lịch.
>>“Gỡ vướng” du lịch xanh Quảng Nam
Năm 2023 được tỉnh Quảng Nam xác định là thời gian để khôi phục ngành du lịch. Là điểm đến tiềm năng của khách quốc tế, các địa phương như Hội An, Duy Xuyên,... đang dần tái thiết các hoạt động du lịch, xây dựng thêm sản phẩm mới phù hợp để xúc tiến các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới.
Trong đó, các doanh nghiệp dần lưu ý hơn về việc đa dạng hóa thị trường khách từ các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zeland, Thái Lan, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á... Theo các doanh nghiệp, việc đa dạng hóa thị trường sẽ giúp đơn vị có thêm nguồn khách mới thay vì chỉ trông chờ vào các đối tác cũ.
Bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hội An Express cho rằng để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam nhiều hơn thì cần có chính sách thông thoáng hơn. Trong đó, vấn đề visa chính là mối quan tâm hàng đầu của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.
“Cần có phương án mới phù hợp để các doanh nghiệp thông tin đến đối tác sớm. Hiện nay, đối với các thị trường quốc tế, du khách sẽ đặt lịch cho đầu năm sau nên khả năng du lịch quốc tế cũng sẽ phục hồi vào giai đoạn này”, bà Quế Anh nói.
Để sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại, tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch phục vụ trong thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về đón khách du lịch quốc tế.
Tỉnh Quảng Nam đã xác định việc phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của chính quyền. Song song với công tác quản lý là phát huy mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả vai trò động lực của doanh nghiệp và nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch cho biết địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Trong đó, ông Hồng cho hay Quảng Nam sẽ chú trọng việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế thực hiện các thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định.
“Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch phát triển, cạnh tranh lành mạnh thu hút khách du lịch quốc tế, kiên quyết xử lý tình trạng tổ chức tour du lịch chui, cho mượn pháp nhân ăn chênh lệch, trốn thuế, tạo môi trường du lịch văn minh, lành mạnh. Cùng với đó là khôi phục mạng lưới các đường bay thường lệ hoặc charter, tăng cường xúc tiến các đường bay nội địa đến Quảng Nam”, ông Nguyễn Thanh Hồng thông tin.
Ngoài các thị trường khách du lịch phổ biến, hiện nay lượng khách du lịch Hồi giáo cũng nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tiếp cận được cộng đồng khách du lịch này các điểm đến cần được đầu tư hơn về cơ sở vật chất cũng như các yêu cầu về ẩm thực, dịch vụ,...
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nhìn nhận thị trường du lịch Hồi giáo trên thế giới rất rộng lớn và phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Thông tin từ ông Thủy, Việt Nam đã đón tiếp rất nhiều du khách lữ hành quốc tế là người Hồi giáo.
“Tuy nhiên, thị trường này chưa thực sự được chú trọng, chưa kiến tạo cơ hội phát triển và kêu gọi đầu tư rộng rãi dịch vụ du lịch đặc thù tại các địa phương, điểm đến chính trong cả nước. Đây là một trong những điểm yếu của du lịch Việt Nam thu hút khách từ các quốc gia Hồi giáo”, ông Nguyễn Sơn Thủy cho hay.
Theo kinh nghiệm cá nhân, ông Thủy cho rằng cộng đồng du lịch Hồi giáo thường không khuyến khích khách đi du lịch tại các quốc gia hay điểm đến có điều kiện cơ sở vật chất, ẩm thực, tín ngưỡng không thuận lợi, không phù hợp với cho quen tiêu dùng, phương thức du lịch đặc thù. Mặc khác, du lịch Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, không phải tất cả các đơn vị cơ sở du lịch có thể hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn còn khó khăn.
“Do đó việc định hướng phát triển thị trường quốc tế khác nhau trong đó có thị trường du khách theo Hồi giáo nhằm đa dạng thị trường, kiến tạo dư địa, cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch tham gia vào phát triển du lịch sẽ là yêu cầu cấp bách và cần thiết trong thời điểm này”, ông Nguyễn Sơn Thủy nói.
Có thể bạn quan tâm