Thanh Hóa: Liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương đưa du lịch cất cánh
Năm 2023, là năm đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch Việt Nam, chính vì vậy chính quyền, doanh nghiệp du lịch liên tục đưa ra kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trên cả nước
>>Du lịch bốn mùa cần sự đột phá mới
Sáng ngày 15/6, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố năm 2023. Đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các sự kiện xúc tiến và kích cầu du lịch năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa, là dịp để cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp của các địa phương gặp gỡ, đối thoại, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong việc xây dựng tour, tuyến, sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác, thúc đẩy du lịch phát triển. Trong đó, phải kể đến các hoạt động liên kết, hợp tác trong tuyên truyền, xúc tiến quảng bá và kêu gọi đầu tư giữa 4 tỉnh Bắc Trung bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) và Bắc Trung bộ mở rộng; hợp tác phát triển khu vực Tây Bắc mở rộng; liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố như: Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…
Cũng trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã đón nhiều đoàn famtrip của các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí trong cả nước đến khảo sát, kết nối phát triển du lịch. Qua đó quảng bá sâu rộng hình ảnh “Hương sắc bốn mùa” của du lịch xứ Thanh đến gần hơn với du khách; nhiều tour, tuyến mới đã được hình thành và đưa vào khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch từ các thị trường trọng điểm của cả nước đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà du lịch Thanh Hoá đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh khôi phục và tăng tốc du lịch hậu COVID-19, để triển khai có hiệu quả hoạt động liên kết, tỉnh Thanh Hoá cần chú trọng đẩy mạnh việc trao đổi khách giữa các địa phương; chọn các trung tâm phân phối khách để thúc đẩy liên kết, hợp tác.
>>Nghỉ hè năm nay, du khách Việt muốn đi đâu?
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đề nghị tỉnh Thanh Hoá và các địa phương trong chuỗi liên kết cần tìm ra thế mạnh giữa các địa phương, doanh nghiệp để thúc đẩy liên kết hiệu quả. Đồng thời chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; cần tìm ra thông điệp phù hợp trong mỗi hành trình liên kết; xây dựng sản phẩm phù hợp với xu hướng... góp phần thúc đẩy du lịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 đó là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Cùng với đó, lựa chọn sản phẩm để các địa phương có thể liên kết với nhau góp phần nâng giá trị tour và hấp dẫn du khách. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác giá trị văn hoá trong phát triển du lịch; tìm ra những giá trị văn hoá khác biệt dựa trên những sản phẩm tương đồng giữa các địa phương để liên kết đi vào chiều sâu.
Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp tích cực của các địa phương, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh. Trong đó tập trung làm rõ hơn các điều kiện thuận lợi và những hạn chế, khó khăn tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp lữ hành cũng đề xuất những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi đưa khách đến Thanh Hóa.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch Hà Nội cho biết, Thanh Hóa, Hà Nội là 2 địa phương có lượng khách du lịch tham gia đi lại nhiều, chính vì vậy rất nhiều hợp tác, đối tác từ địa phương và các công ty du lịch. Chúng tôi mong muốn rằng có nhiều hợp tác cùng nhau phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Doanh nghiệp lữ hành tỉnh Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp và các địa phương cùng rất mong muốn có nhiều chương trình kết nối hợp tác du lịch để bắt tay nhau làm cho ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. Qua các chương trình của địa phương sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị lữ hành kết nối liên kết với nhau thuận tiện hơn, mở thêm được nhiều tour tuyến phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Trần Khoa, Giám đốc Doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cảm nhận của mình khi những ngày qua tham gia đoàn đến các điểm du lịch tại Thanh Hóa. Cảm nhận được những điểm độc đáo của du lịch Thanh Hóa nhưng ông cũng đánh giá nhiều điểm du lịch chưa có điểm chỉ dẫn và các ghim vị trí trên hệ thống định vị trực tuyến vì vậy rất khó để chia sẻ vị trí đang du lịch cho bạn bè và người thân biết đến. Mặc dù Thanh Hóa có rất nhiều sản phẩm ẩm thực đặc trưng của vùng miền nhưng lại chưa làm nổi bật hay chưa liên kết chặt chẽ để thu hút khách du lịch làm sản phẩm quà biếu.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cảm ơn những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và ý kiến chỉ đạo của đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Đối với những tồn tại, hạn chế về môi trường, sản phẩm, dịch vụ du lịch,... đã được các đại biểu nêu ra tại hội nghị, tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp thu đầy đủ và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để du lịch Thanh Hoá tiếp tục phát triển theo hướng văn minh, thân thiện, hấp dẫn, hướng đến trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước.
Nhân dịp này, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hoá đã ký kết biên bản hợp tác phát triển, khai thác các tour, tuyến du lịch với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, Hội Lữ hành G7 TP Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp du lịch trong nước.
Có thể bạn quan tâm