“Mở lối” cho du lịch vùng cao Quảng Nam
Vùng cao tại tỉnh Quảng Nam sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, văn hóa,... tuy nhiên vẫn chưa thể bứt phá vì còn nhiều trở lực.
>>Đa dạng hóa thị trường khách quốc tế đến Quảng Nam
Mặc dù có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch như văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống, ẩm thực,... song các vùng cao tại Quảng Nam như Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My,... vẫn chưa tạo được sức hút lớn để kéo khách du lịch đến như kỳ vọng. Hiện tại, khách du lịch vẫn đang tập trung vào vùng trũng là Hội An, nơi có hệ thống sản phẩm dày đặc được xây dựng từ lâu.
Nguyên nhân khiến khách du lịch chưa để tâm đến các địa phương khác là do khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông bất tiện, hạ tầng điểm đến chưa được đầu tư bài bản,... Do đó, các mục tiêu đề ra về đón khách và lưu trú tại đây hàng năm vẫn khó đạt hiệu quả.
Ông Đỗ Như Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay nguồn tài nguyên tại địa phương có nhiều triển vọng để phát triển du lịch xanh, gắn phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch. Tại huyện này, các sản phẩm nông nghiệp như trà hoa hồng và chè dây ở xã Tư, lòng hồ thủy điện Sông Bung, A Vương, suối khoáng nóng thích hợp để phục vụ du khách, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhìn nhận việc di chuyển của du khách trên tuyến đường quốc lộ 14G từ Núi Thần Tài đến địa phương hiện nay quá khó, vẫn còn trong giai đoạn cải tạo. Cùng với đó là nhận thức của người đồng bào Cơ Tu về phát triển du lịch vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
“Chưa kể đến là việc huy động nguồn lực xã hội hóa và doanh nghiệp, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Các hạng mục cơ sở vật chất du lịch tại huyện vẫn còn thiếu và một số đang xuống cấp chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ, tu sửa. Đồng thời, các sản phẩm, loại hình du lịch hiện nay vẫn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa chuyên nghiệp hay kết nối theo chuỗi”, ông Đỗ Như Tùng cho hay.
Tương tự, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết trong năm 2022 địa phương đã đón hơn 17.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thông tin những năm qua công tác mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư gặp nhiều khó khăn vì hạ tầng giao thông, mạng lưới điện, viễn thông,... chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Do đó, doanh nghiệp rất khó để lựa chọn địa phương làm nơi đầu tư
“Nếu như có hạ tầng đầy đủ, địa phương sẽ thu hút được nhiều khách du lịch. Hiện nay, huyện đã có chủ trương phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch văn hóa, du lịch sâm. Với lợi thế về vùng du lịch sâm Ngọc Linh, hiện địa phương đang trong quá trình mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch”, ông Trần Duy Dũng thông tin.
Theo các địa phương và doanh nghiệp, các đơn vị cần có thêm cơ chế hỗ trợ về đầu tư hạ tầng giao thông, điểm đến, chính sách hỗ trợ vốn... để xây dựng sản phẩm du lịch riêng biệt, hấp dẫn. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển làng nghề thủ công truyền thống tại các địa phương vùng cao. Đặc biệt là hỗ trợ quảng bá các điểm du lịch và kêu gọi đầu tư, có cơ chế hỗ trợ riêng về phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Khách sạn Santa Sea Hội An Villa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa đề xuất phương án hoàn thiện bản đồ tour tuyến du lịch Quảng Nam. Trong đó, ông Việt cho rằng cần thể hiện rõ mối liên kết giữa Hội An với các địa điêm khác, khi du khách đến với Hội An có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về những điểm đến trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ông Việt Cũng đề xuất giải pháp thu hút cộng đồng du lịch phượt để quảng bá điểm đến tại các vùng xa của Quảng Nam. Theo vị này, khách du lịch phượt là nhóm khách dễ dàng cảm thông với các hạn chế về mặt hạ tầng và nhóm khách này cũng sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn thông tin điểm đến để tiếp tục thu hút các dòng khách khác.
“Quảng Nam cần khai thác về giá trị bản địa, làm nổi bật giá trị của các điểm đến để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống dịch vụ phụ trợ, tour tuyến đặc sắc, thay đổi hạ tầng,... để phục vụ du khách. Cùng với đó là các kênh quảng bá cần được tận dụng đồng bộ, bài bản, thể hiện rõ sản phẩm, dịch vụ mà du khách sẽ được phục vụ tại điểm đến”, ông Lê Quốc Việt nói.
Tại kết luận mới nhất về phát triển du lịch xanh trên địa bàn, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh gia đình để thực hiện liên kết phát triển sản phẩm du lịch xanh với sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm du lịch miền núi… Cùng với đó, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đề án, nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch xanh lồng ghép với các chương trình phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm du lịch miền núi… tỉnh Quảng Nam đến năm 2030.
“Tiếp tục tổ chức tập huấn hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch nâng cao năng lực, kỹ năng thực hành phát triển du lịch xanh,chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm”, ông Hồ Quang Bửu giao nhiệm vụ.
Có thể bạn quan tâm