Côn Đảo hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn
Theo ông Lê Văn Phong - Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, hiện huyện đang phối hợp Sở ngành dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Đề án “phát triển Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
>>Sống thật ở Côn Đảo
Để xây dựng Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa, lịch sử, tâm linh chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế, huyện Côn Đảo đang tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm thu hút mọi nguồn lực...
Ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, theo thống kê, hiện Côn Đảo có 20 dự án đầu tư với diện tích 420 ha, vốn đầu tư khoảng 3.461 tỷ đồng và 59 triệu USD. Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo đến năm 2030, quy hoạch 20 địa điểm cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí. Đến nay, đã có 02 nhà đầu tư được xét chọn và ký hợp đồng thuê môi trường rừng lập dự án đầu tư du lịch sinh thái tại 3 khu vực Sở Rẫy - Ông Đụng, Ông Câu và Hòn Tre Lớn.
Lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch…
Thực tế, ngoài việc được nhiều tạp chí uy tín bình chọn là một trong những hòn đảo có phong cảnh hoang sơ, bí ẩn và đẹp vào bậc nhất thế giới, Côn Đảo còn có Vườn quốc gia với hệ thống rừng đặc dụng có tổng diện tích tự nhiên hơn 19.883 ha cùng hệ động, thực vật, sinh thái biển tự nhiên phong phú, đa dạng... Năm 2013, Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận là Khu Ramsar của thế giới, Khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam…
Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Côn Đảo được coi là mảnh đất chứng kiến và lưu giữ những giá trị lịch sử vô cùng lớn lao của đất nước. Hàng loạt di tích lịch sử như: Nhà tù Côn Đảo, Cầu tàu 914, Nghĩa trang Hàng Dương… đã được trùng tu, gìn giữ để giới thiệu cùng du khách những dấu ấn lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Năm 2012, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Theo đó,với vị thế đặc biệt của huyện Côn Đảo trong phát triển du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã định hướng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ chiếm 90,38%, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, theo mô hình kinh tế tuần hoàn, mà UBND tỉnh BR-VT đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND, ngày 13/3/2023 về việc phê duyệt Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng năm 2030”, qua đó góp phần xây dựng được nền tảng thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn lực xã hội vừa phát triển vừa bảo vệ; phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, lịch sử…; trên cơ sở đó đề ra các tiêu chí kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch có quy mô lớn, hiện đại gắn kết với sinh thái môi trường...
>>Côn Đảo Mùa rùa biển đẻ trứng
Trải “thảm đỏ” hút “đại bàng”
Nhằm sớm xây dựng Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa, lịch sử, tâm linh chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế, ông Lê Văn Phong - Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết: Hiện huyện đang phối hợp Sở ngành dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Đề án “phát triển Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư và triển khai các quy hoạch chi tiết trên địa bàn.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương để phối hợp các Sở ngành kêu gọi, thu hút đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cùng với đó, huyện tăng cường kết nối giao thông từ đảo chính đến các đảo nhỏ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học; Thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao như: Các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí phức hợp, dịch vụ mua sắm cao cấp… kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch sinh thái chất lượng cao; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; du lịch gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện.
Đồng thời, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hạ tầng đang triển khai, đã bố trí vốn đầu tư trên địa bàn huyện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, du lịch…, phối hợp các Sở ngành hoàn thiện dự án nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo (sân bay Cỏ Ống). Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia huyện Côn Đảo, dự án đầu tư mới trung tâm y tế Quân - Dân y huyện Côn Đảo, phối hợp đôn đốc, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nạo vét Hồ An Hải, Hồ Quang Trung, dự án xây dựng nhà máy nước sinh hoạt huyện Côn Đảo công suất 10.000m3/ngày đêm để bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của huyện…
Đặc biệt, uu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư quốc tế có năng lực tài chính vào đầu tư các dự án sản phẩm du lịch cao cấp, các sản phẩm vui chơi, giải trí, nghệ thuật, thể thao và các sản phẩm du lịch phụ trợ; Đảm bảo công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung khai thác thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử - cách mạng.
Để khai phát huy giá trị của khu di tích Quốc gia đặc biệt, ông Phong khẳng định: “Huyện hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, đồng thời cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư sớm có đất sạch để triển khai thực hiện dự án”.
Có thể bạn quan tâm