Bài toán hút khách quốc tế cho du lịch Việt
Du khách quốc tế đang trở lại Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn những “nút thắt” khiến việc thu hút còn chưa được như kỳ vọng.
>>Mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 có khả thi?
DOANH NHÂN đã có buổi trò chuyện chia sẻ cùng ông Nguyễn Nam Phương – Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hải Phòng.
- Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Đây là bài toán không hề dễ dàng, thưa ông?
So với khu vực Đông Nam Á, chính sách miễn thị thực của nước ta hiện nay chưa thực sự thu hút chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Các công ty du lịch hiện đang rất nỗ lực trong việc quảng bá và thu hút khách book tour đến Việt Nam. Tuy nhiên, sau dịch, xu hướng khách du lịch quốc tế dần thay đổi với việc ưa chuộng đi theo nhóm nhỏ, đặc biệt là người trẻ sẽ có thói quen du lịch theo kiểu “cảm hứng”, không có kế hoạch trước, hoặc lên kế hoạch chuyến đi rất sát ngày. Chính vì thế, thủ tục cấp visa còn một số hạn chế về thời gian cấp chưa được nhanh chóng, không đáp ứng được nhu cầu du lịch mới của khách quốc tế dẫn đến họ chuyển sang các quốc gia với thủ tục thị thực dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan đến từ việc nền kinh tế thế giới biến động sau dịch dẫn đến sự biến động tỷ giá khiến một số thị trường khách trọng điểm như từ Nhật Bản (thị trường top 3 về lượng khách quốc tế đến Việt Nam 2019) vẫn chưa hồi phục. Quan trọng nhất là thị trường Trung Quốc – thị trường truyền thống hàng đầu chỉ vừa mới mở cửa ngày 15/03 vừa qua, sẽ cần thời gian để phục hồi lại như trước dịch. Theo nhiều dự báo lượng khách Trung Quốc sẽ khởi sắc hơn từ quý 4/2023.
>>Đề xuất giải pháp thu hút khách quốc tế
- Từ thực tế này, các doanh nghiệp làm du lịch đặt kỳ vọng ra sao, thưa ông?
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp làm về du lịch, chúng tôi kỳ vọng việc nới lỏng thời gian miễn thị thực cũng như mở rộng các quốc gia miễn visa và linh hoạt trong thủ tục visa chính là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Tuy chính sách visa là yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, nhưng vấn đề cốt lõi còn nằm ở sản phẩm dịch vụ du lịch cũng cần cải tiến mang tính chất đặc trưng, mới mẻ đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng đổi mới sau dịch.
- Vậy, ông có đề xuất hay kiến nghị giải pháp nào cho bài toán thu hút khách du lịch quốc tế, thưa ông?
Trong bối cảnh đó, để giải bài toán thu hút khách du lịch quốc tế cần sự phối hợp bài bản, đảm bảo tính chất chiến lược từ các bên có liên quan.
Thứ nhất, đối với các điểm đến du lịch cần nâng cao công tác quản lý du lịch trong việc niêm yết về giá, đảm bảo tính chất mỹ quan, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như xóa bỏ nạn chèo kéo khách hay móc túi.
Thứ hai, một trong những giải pháp cốt lõi giúp khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chính là việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và cải thiện cơ sở hạ tầng hàng không, lưu trú, ăn uống và vui chơi, giải trí. Các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch khác biệt để có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu mới của khách du lịch quốc tế.
Thứ ba, trong thời đại công nghệ số hiện nay, cần tăng cường xúc tiến quảng bá, nâng cao tần suất xuất hiện hình ảnh du lịch Việt Nam qua đa nền tảng chính là giải pháp tối ưu nhằm dễ dàng tiếp cận, quảng bá các điểm du lịch mới, sản phẩm du lịch đa dạng hấp dẫn…
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi tiến hành nghiên cứu thị trường để hiểu rõ nhu cầu và sở thích của khách hàng sau thời gian dịch bệnh. Điều này giúp công ty nhận biết các xu hướng mới, các đối tượng khách hàng tiềm năng và những thay đổi trong tư duy du lịch của khách hàng. Việc hiểu rõ thị trường sẽ giúp Vietravel điều chỉnh và tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu mới. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và tạo ra các sản phẩm và trải nghiệm du lịch mới, hấp dẫn để thu hút khách hàng. Tìm kiếm cơ hội hợp tác và đối tác với các đối tác trong ngành du lịch, bao gồm khách sạn, hãng hàng không, công ty vận chuyển và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch khác.
- Sau hơn 2 năm dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch vô cùng khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi với tình trạng kiệt quệ, phá sản. Ông có thể chia sẻ “bí kíp” doanh nghiệp mình vượt qua khó khăn?
Việc đối mặt với khó khăn và vượt qua thời gian khủng hoảng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp du lịch nói chung và Công ty Du lịch Vietravel trong suốt hơn 2 năm dịch bệnh kéo dài. Khi đó, chúng tôi đã đề ra những mục tiêu, kế hoạch rất cụ thể.
Thứ nhất, chúng tôi bắt buộc phải tái cấu trúc doanh nghiệp, điều này dù có hay không có dịch cũng phải làm. Thị trường đã thay đổi toàn bộ cấu trúc kinh doanh. Bộ máy cũng phải thay đổi theo, không thể nào như cũ được. Vietravel đã tái cấu trúc lại toàn bộ theo hướng gọn hơn, nhỏ hơn, đa năng hơn, nhanh hơn.
Thứ hai, chúng tôi buộc phải điều chỉnh lại hệ sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu sống, nhu cầu sinh hoạt của người dân sau dịch, từ đó đặt ra những sản phẩm cho phù hợp.
Nhìn chung, chúng tôi đã phải làm tất cả mọi chuyện, cấu trúc lại toàn bộ thị trường, cấu trúc lại kênh phân phối, cấu trúc lại cơ cấu chính công ty và đã làm đồng loạt một lúc.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm