Hà Nội vượt 50% chỉ tiêu phát triển du lịch năm 2023

MINH CHÂU 14/07/2023 14:49

Thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô đã nỗ lực và có bước phát triển ấn tượng. Trong nửa đầu năm 2023, ngành Du lịch đã vượt trên 50% tất cả chỉ tiêu phát triển du lịch của cả năm.

Sáng 14/7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình số 06/Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” chủ trì kiểm tra tại Sở Du lịch Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Ngành du lịch của Thủ đô tiếp tục có sự phục hồi ấn tượng sau ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, vượt trên 50% tất cả chỉ tiêu phát triển du lịch cả năm 2023, trong đó lượng khách du lịch quốc tế dự kiến đạt 75% mục tiêu cả năm.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong - Trưởng BCĐ Chương trình 06-Ctr/TU phát biểu.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong - Trưởng BCĐ Chương trình 06-Ctr/TU phát biểu.

>>Vì sao du lịch Việt chưa được hưởng lợi từ show nhạc quốc tế?

Tích cực triển khai các công trình, dự án hạ tầng phát triển du lịch

Tính đến tháng 6/2023, Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án cơ sở lưu trú, khách sạn cao cấp (từ 3-5 sao) với 15.510 phòng.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành đưa vào hoạt động 15 khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp với 3.737 phòng; Đẩy nhanh tiến độ một số dự án đầu tư xây dựng khu công viên, vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại như: Đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch Khu công viên thể thao giải trí thuộc dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu - Hà Nội; Đôn đốc tiến độ dự án Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia; Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa; Các dự án quy hoạch, đầu tư bảo tồn, tôn tạo công trình di tích lịch sử, văn hóa gắn với khai thác phát triển du lịch (khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm...).

Việc triển khai các tuyến giao thông kết nối từ trung tâm thành phố đến các khu du lịch trọng điểm được quan tâm phát triển. Đến nay trên địa bàn thành phố có 13 tuyến xe buýt tiếp cận với các khu, điểm du lịch trọng điểm và 2 tuyến xe buýt du lịch 2 tầng phục vụ khách du lịch đến Hà Nội tham quan, trải nghiệm.

Đáng chú ý, ngành Du lịch thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Phát triển các điểm đến; Xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn; Tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Các hoạt động tuyên truyền quảng bá đã giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách. Năm 2022, Hà Nội nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2022” vào tháng 9/2022 và giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” vào tháng 11/2022 do tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn.

Năm 2023, Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch như: Giải thưởng Travel + Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023, hạng mục “Thành phố” đã vinh danh thành phố Hà Nội thuộc top 10 thành phố hàng đầu Châu Á. Đồng thời, Hà Nội có 48/103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide, trong đó có 3 nhà hàng được gắn 1 sao Michelin - giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới.

“Đây tín hiệu tích cực, hứa hẹn cho thấy nhiều đột phá trong hành trình khôi phục và phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới”, ông Hiếu nói.

Cần coi du lịch văn hóa là mũi nhọn

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, dù đạt nhiều thành quả song phải thừa nhận, điểm đến ở Hà Nội chưa nhiều, phải quan tâm đến phát triển du lịch ngoại thành, cần tháo gỡ nhiều vướng mắc cơ chế thuê đất, sử dụng đất và có định hướng bền vững phát triển du lịch nông thôn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề xuất với hội nghị.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề xuất với hội nghị.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề xuất, Sở Du lịch cần đưa 21 di tích quốc gia đặc biệt của thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Trong khi đó, đánh giá về công tác chuyển đổi số, ngành Du lịch đã tích cực số hóa các điểm di tích, quảng bá điểm đến như di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò. "Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tích cực, nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá các tour, điểm đến hiệu quả", đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết.

Nhấn mạnh về việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, công tác quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cần bám sát quy hoạch của thành phố.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm; Sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Vì vậy, trong phát triển du lịch Thủ đô, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, cần phải coi du lịch văn hóa là mũi nhọn. Ngoài ra, ngành cần nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, đặc biệt coi trọng vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch bản địa.

"Khu nào, xóm nào làm du lịch thường rất văn minh, đời sống văn hóa nâng cao. Chúng ta cần đánh giá lại du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch học đường, mô hình nào cần nhân rộng. Với 21 di tích quốc gia đặc biệt của thành phố, học sinh phải được đến đó; Thậm chí, xây dựng cho các em hành trình suốt năm học phổ thông cần đi những đâu. Hiện du lịch học đường còn nguyên dư địa, với 2,2 triệu học sinh, nếu em nào cũng được đi thì đã góp phần vào giáo dục văn hóa truyền thống, di sản, lòng yêu nước", Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

“Phát triển công nghiệp văn hóa cần coi du lịch văn hóa là mũi nhọn; Cần phải kể câu chuyện văn hóa cho khách thập phương. Văn hóa giờ không chỉ là nền tảng mà còn là nguồn lực đột phá để phát triển bền vững”, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Tín hiệu mừng của du lịch Hà Nội

    16:56, 09/06/2023

  • Du lịch Hà Nội kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng

    02:30, 01/06/2023

  • Hội nghị hợp tác Việt Nam-Pháp: Cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội

    16:58, 12/04/2023

  • Du lịch Hà Nội: Kết nối những giá trị đặc sắc gắn với di sản

    07:20, 25/03/2023

MINH CHÂU