Đưa giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan tươi đẹp, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của người dân bản địa. Thời gian qua, nhiều địa phương đã phát huy thế mạnh để thu hút khách du lịch
>>>Ngành du lịch kiếm tiền nhờ các chuyến du lịch âm nhạc
Đồng hành với du lịch
Theo bà Dương Thị Hậu - Phó Phòng VH-TT huyện Tiên Yên, chia sẻ: Là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, chúng tôi quan tâm phục dựng, đưa giá trị văn hóa bản địa vào khai thác phục vụ du lịch. Điều đó tạo nên sự mới lạ, khơi gợi sự tò mò khám phá cho du khách.
Để có được thành quả đó, có thể thấy Tiên Yên rất quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch.
Không chỉ cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong Nghị quyết, Tiên Yên còn xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý nhà nước về lễ hội; phục dựng các lễ hội truyền thống; tích cực gìn giữ, bảo tồn các giá trị, tài sản vô giá của cộng đồng bằng việc triển khai các đề án bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Cụ thể như: Đề án xây dựng chợ phiên văn hóa vùng cao xã Hà Lâu; làng văn hóa dân tộc Tày, phục dựng Lễ hội đình Đồng Đình (xã Phong Dụ); bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu (xã Hải Lạng)...
Huyện còn tiến hành các công việc rất cụ thể như: Duy trì hoạt động của Chi hội văn nghệ dân gian; thành lập và duy trì hoạt động của 10 CLB dân ca dân tộc thiểu số mang bản sắc văn hoá dân tộc với sự quy tụ của các nghệ nhân, những người tâm huyết với văn hoá dân tộc; hoàn thành và xuất bản cuốn sách “Di sản văn hóa Tiên Yên”...
Theo bà Hậu, Tiên Yên, vùng đất ngã ba sông đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn, được bổ sung vào cẩm nang du lịch của du khách và nhiều hãng lữ hành. Có lẽ vì thế mà rất nhiều giá trị, nét đặc sắc văn hóa bà con dân tộc bản địa được bảo tồn tốt, trở thành chất liệu, được khai thác tạo sức hút cho du lịch. Thấy rõ nhất là ở sản phẩm du lịch Phố đi bộ “Hồn xưa nét cũ, Tiên Yên phố”. Có lẽ du khách phương xa tới đây sẽ ấn tượng, tò mò với tiết mục biểu diễn âm nhạc dân tộc, các nghi lễ Cầu mùa, Cấp sắc, Lễ rước dâu, lễ Đại phan… của bà con dân tộc Dao, Sán Dìu trong các sự kiện lớn ở đây.
Gần đây nhất là góc tái hiện trang phục các dân tộc Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu cùng hình ảnh các mẫu mái nhà trình tường, mùa vàng hoặc hoạt động nhảy sạp. Đây dần trở thành điểm khám phá được yêu thích, tạo nên góc check-in đặc sắc cho du khách dạo phố đi bộ.
Tương tự, ở sản phẩm du lịch Mùa vàng vùng cao Đại Dực, du khách lại được hòa mình vào các cuộc thi trang phục dân tộc Sán Chỉ, các điệu hát Soóng cọ, thi ẩm thực...; sôi động với trò đi cà kheo, các trận bóng đá của các cô gái Sán Chỉ duyên dáng… Hòa cùng cảnh đẹp của Tuyệt tình cốc, đồi Tình, các làn điệu Soóng cọ được thêm vào, tạo điểm nhấn cho hành trình check-in tour khám phá mùa dâu da chín, thăm nhà cổ Đại Dực...
Không chỉ có vậy, gần đây Tiên Yên đã thành công trong việc khôi phục, tái hiện qua sân khấu hóa trình diễn trang phục bản địa, các nghi lễ đặc sắc quảng bá tới du khách trong các sự kiện lớn thường niên; duy trì khoảng 30 CLB dân vũ mặc trang phục dân tộc tạo không khí sôi động cho phố đi bộ, các sự kiện quảng bá lớn của huyện. Hay đó là việc tổ chức đa dạng các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ bà con dân tộc Dao, Tày tăng sức hút cho phiên chợ Hà Lâu tổ chức 1 lần/tháng…
Ngoài ra, trên cơ sở các chất liệu sẵn có đó, Tiên Yên cũng đang dự kiến phát triển các trải nghiệm, các sản phẩm du lịch đặc sắc. Đó là mô hình làng văn hóa dân tộc Tày gắn với thắng cảnh thác Khe San (Phong Dụ) với điểm nhấn là các tiết mục biểu diễn hát then, đàn tính. Cùng ẩm thực đặc sắc, cảnh đẹp Khe San chắc hẳn sẽ hấp dẫn và khơi gợi sự tò mò trải nghiệm, khám phá làng bản, văn hóa bản địa ở đây.
Một mô hình khác là xây dựng CLB dân vũ bản địa do chính bà con dân tộc ở các thôn bản xã Yên Than biểu diễn phục vụ du khách tham quan thác Pạc Sủi hay Homestay Pạc Sủi; bố trí các nghệ nhân người Dao thêu trang phục thổ cẩm truyền thống vừa hướng dẫn, bán chỉ thêu cho du khách. Tương tự, việc tái hiện các hoạt động như hát Soóng cọ, múa hành quang của bà con dân tộc người Sán Dìu phục vụ du khách ở Family Ecozon (xã Hải Lạng).
Dư địa cho phát triển
Theo ông Nguyễn Văn Lợi – Đại diện Công ty Liên doanh Tour Xuyên Việt, Quảng Ninh có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc người bản địa, đây là một lợi thế mà ngành du lịch khai thác. Theo ông Lợi, thời gian gần đây, khi các địa phương miền núi đã biết năm bắt nhưng lợi thế như: Phát triển du lịch trải nghiệm, kết hợp đưa các hoạt động lễ hội giá trị văn hóa đặc sắc. Đây cũng là sự thành công của du lịch Quảng Ninh trong việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, hiệu quả quanh năm
Lãnh đạo Phòng VH-TT huyện Tiên Yên cho biết: Để góp phần tăng sức hấp dẫn, điểm nhấn cho sản phẩm du lịch Quảng Ninh, địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch từ đầu năm 2023. Trong đó, đặt mục tiêu phát triển du lịch phải gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo định hướng xây dựng Tiên Yên trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc. Huyện phấn đấu tổng khách du lịch đến tham quan trong năm đạt trên 100.000 lượt.
Còn theo ông Vi Ngọc Nhất - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, không chỉ được biết đến là điểm đến nổi trội của Quảng Ninh vào mùa thu - đông, Bình Liêu đang khai thác tốt dư địa mùa xuân - hè để hiện thực hóa mục tiêu đón khách năm 2023 và tạo tiền đề phục hồi bền vững ngành du lịch trong những năm tiếp theo.
Trong 6 tháng đầu năm, huyện Bình Liêu duy trì và làm mới 3 lễ hội, ngày hội truyền thống: Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng cọ, Hội Kiêng Gió. Năm 2023 là năm đầu tiên huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu, xâu chuỗi 2 ngày hội lớn là Hội Soóng Cọ và Hội Kiêng Gió thành một chương trình dài hơi, với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Chương trình khai mạc, cuộc thi sáng tạo không gian ẩm thực, các trò chơi dân gian, giải bóng đá nữ, đánh quay... để thu hút du khách. Ước tính gần 10.000 lượt người tham gia các hoạt động tại các lễ hội, ngày hội trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm.
Để tăng sức hút với du khách vào dịp thấp điểm, huyện đã phối hợp với doanh nghiệp thiết kế và triển khai sản phẩm du lịch mới, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Hướng tới mục tiêu đón 100.000 khách trong năm 2023, Bình Liêu tiếp tục duy trì và tổ chức chuyên nghiệp Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Bình Liêu năm 2023, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày tại Bản Cáu xã Lục Hồn; Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người Sán Chỉ tại xã Húc Động và xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện “Về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, giai đoạn 2016-2021”, tạo động lực cho du lịch phục hồi bền vững.
Có thể bạn quan tâm