Tìm hướng đi cho “kinh tế đêm” tại Quảng Ninh
Nền kinh tế ban đêm - Night time Economy đang là chủ đề “hot” ở châu Á, khai thác tốt sẽ thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của du khách.
>>Quảng Ninh: Công bố vùng vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long
Tuy nhiên, Quảng Ninh dường như vẫn chưa thể “thắp sáng” được “mỏ vàng” tiềm năng này.
Trên thực tế, nền kinh tế ban đêm từ lâu đã được coi là chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở khu vực châu Á, nền kinh tế ban đêm đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Singapore,…
Chủ đề nóng ở châu Á…
Đại dịch COVID-19 đã đi qua, các thị trường du lịch châu Á đã mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế, các thành phố châu Á đang tìm cách khôi phục sức hấp dẫn năng động và kích thích chi tiêu của người tiêu dùng. Đồng thời, các hội đồng du lịch quốc gia và khu vực trên khắp châu Á cũng đã tiến hành nghiên cứu cho thấy họ thường hoạt động kém hiệu quả đối với chi tiêu của du khách vào ban đêm so với ban ngày. Và cụm từ “hot” nhất hiện nay chính là “nền kinh tế ban đêm”.
Tại Trung Quốc, du lịch ban đêm đã được quảng bá rầm rộ ở các thành phố, để khuyến khích mọi người ở lại lâu hơn, trải nghiệm các điểm tham quan buổi tối độc đáo và đặc biệt là “móc túi” ra nhiều hơn nữa. Công viên giải trí đô thị là một lĩnh vực đang bùng nổ tại Trung Quốc, việc khai trương Universal Studios Beijing đã diễn ra đúng thời điểm với các trò chơi, điểm tham quan, khách sạn và cửa hàng bán lẻ theo chủ đề phim. Khu nghỉ dưỡng này được truyền thông Trung Quốc mô tả là “một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất” vào năm 2022.
Tại Hàn Quốc, Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) là tổ chức tiên phong trong khu vực về kinh tế ban đêm. Trước đại dịch, họ đã bắt đầu quảng cáo một cách sáng tạo những cảnh quan được chiếu sáng bằng đèn neon của Seoul để khuyến khích du khách ở lại và chi tiêu. Bây giờ khái niệm này đang mở rộng, các buổi biểu diễn máy bay không người lái và những video quảng cáo mới về thủ đô Hàn Quốc với sự góp mặt của siêu sao nhạc pop BTS cùng những buổi dã ngoại ban đêm và ăn uống, mua sắm, biểu diễn văn hóa và tham quan, được nước này quảng bá một cách khéo léo với các du khách quốc tế vào ban đêm.
Còn tại Úc, Lễ hội Vivid Sydney được thành lập vào năm 2009, là một lễ hội ánh sáng, âm nhạc và ý tưởng lớn nhất Nam bán cầu đã biến bến cảng nổi tiếng, trung tâm thành phố và các địa danh chính bằng các hình chiếu 3D và đa phương tiện đầy màu sắc. Sau khi bị hoãn do COVID-19 vào các năm 2020 và 2021, Vivid Sydney trở lại vào tháng 6 năm 2022 và đã thu hút một lượng kỷ lục “du khách báo thù” đến từ châu Á.
Quảng Ninh vẫn “loay hoay” tìm hướng đi
Trong khi đó, tại Việt Nam, ngay từ thời điểm năm 2020, Đề án phát triển “nền kinh tế ban đêm” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiều địa phương được lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác, trong đó có Quảng Ninh.
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thành lập tổ công tác để xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm dựa trên nhiều lĩnh vực: Văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện...). Bên cạnh đó còn có, dịch vụ ăn uống; Dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm...); Dịch vụ du lịch (tham quan các di tích văn hóa, công trình kiến trúc...).
Có thể nói, cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hoạt động về đêm chủ yếu là tập trung tại khu du lịch Bãi Cháy, nơi có nhiều nhà hàng, khách sạn và thu hút một lượng lớn khách du lịch. Các địa điểm giải trí như vòng quay Ferris, công viên, quán bar và hộp đêm cũng tập trung ở Bãi Cháy. Tuy nhiên, những hoạt động này thường kết thúc trước 11 giờ tối trong khi đặc trưng của nền kinh tế đêm thường được bắt đầu từ 6h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Chia sẻ với DĐDN, ông Phạm Việt Anh – Đại diện trang du lịch Bay Nhé cho biết: “Tiềm năng phát triển du lịch của Quảng Ninh là rất lớn, với điểm đến là TP. Hạ Long và di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long. Việc mở cửa cho nền kinh tế đêm được đánh giá là “mỏ vàng” của ngành du lịch, bởi nếu kinh tế đêm ở Quảng Ninh được “thắp sáng”, mỗi du khách chỉ cần tăng chi tiêu thêm 300-400 USD cho các hoạt động giải trí, mua sắm thì doanh thu từ du lịch của Quảng Ninh sẽ gia tăng đáng kể”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Việt Anh, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang thiếu các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, đặc sắc về đêm nhằm thu hút và giữ chân du khách. Ngoài các tour ngủ đêm trên vịnh Hạ Long hay là các quán bar nhỏ, mở rải rác với quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, ít có sự đầu tư bài bản và chỉ thu hút một lượng nhỏ du khách, du lịch Quảng Ninh vẫn còn đang bỏ trống một mảng lớn về dịch vụ thương mại, giải trí, tham quan ban đêm,...
Có thể bạn quan tâm