Đẩy mạnh kinh tế đêm Quảng Nam – Đà Nẵng

TUẤN VỸ 01/09/2023 02:00

Kinh tế đêm – chủ đạo là các dịch vụ ăn uống, điểm vui chơi về đêm đang được các địa phương kích hoạt để tận dụng lợi thế đưa kinh tế - xã hội đi lên.

>>Cần gì cho kinh tế đêm Quảng Nam?

Tại Đà Nẵng, mùa du lịch 2023, địa phương trở lại ấn tượng với Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIF 2023), một thương hiệu của thành phố này phải tạm dừng 3 năm nay vì đại dịch COVID-19. Trong điều kiện kinh tế chung của thế giới chưa phục hồi, việc tung ra các sản phẩm du lịch đêm của Đà Nẵng khá ấn tượng.

Theo thống kê, tổng doanh thu từ bán vé DIFF 2023 là 9,7 tỉ đồng (năm 2019 là 11,77 tỉ đồng). Lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong hơn một tháng diễn ra DIFF 2023 (từ 2/6 đến 8/7/2023) đạt khoảng 942.000 lượt, tăng 29% so với DIFF 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 6 năm 2023 ước đạt 2.341 tỉ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Lễ hội

Lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng đã mang lại doanh thu ấn tượng cho địa phương trong thời gian tổ chức.

Trong thời gian diễn ra DIFF 2023, lượng người mua sắm tăng cao so với thời điểm trước đó, đặc biệt tập trung tại các chợ điểm phục vụ du lịch như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ đêm Sơn Trà với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng. Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa thành phố trong tháng 6/2023 ước đạt 5.672 tỉ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 5,3% so với tháng cùng kỳ năm 2022.

Hết lễ hội pháo hoa, Đà Nẵng tiếp tục tung ra hàng loạt sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Ông Tán Văn Vương – Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết địa phương đang tiếp tục khai thác, nâng cấp, triển khai hiệu quả các sản phẩm du lịch đã đưa vào hoạt động trong thời gian qua. Trong đó, chú trọng đảm bảo chất lượng và bổ sung dịch vụ trong dịp hè như tổ chức các sự kiện văn hoá, nghệ thuật (vũ hội đường phố, âm nhạc đường phố, vẽ tranh…) tại phố du lịch An Thượng gắn với bãi biển đêm Mỹ An, sản phẩm, dịch vụ tại các khu nghỉ dưỡng, khu, điểm du lịch lớn như Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hills, Sunworld Danang Wonders (Công viên Châu Á), Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, chợ đêm Sơn Trà,,...

Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh tế đêm để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh tế đêm để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

“Cùng với đó còn có các hương trình nghệ thuật truyền thống tại Nhà ga quốc tế Đà Nẵng, dịch vụ ban đêm tại Khu tổ hợp dịch vụ DanaBeach, chương trình du ngoạn sông Hàn về đêm...”, ông Vương cho hay.

Đối với nhóm sản phẩm du lịch chính, ông Vương cho biết sẽ xây dựng, triển khai phương án tổ chức phố đi bộ đường Bạch Đằng nối dài (đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý) và phương án thí điểm các dịch vụ phục vụ du lịch ban đêm tại cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ Đông cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Ông Cao Trí Dũng,  Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Việt Nam TravelMart, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thông tin các sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm về đêm ở Đà Nẵng hiện nay làm rất tốt và rất chú trọng. Thành phố có các hoạt động về chợ đêm, đi bộ, show diễn, giải trí, hoạt động trên sông… Nhìn chung hệ sinh thái sản phẩm đêm ở Đà Nẵng khá tốt rồi. Tuy nhiên để phong phú thêm thì cần nhiều hoạt động nữa, do vậy thành phố đang có chủ trương và doanh nghiệp đang tham gia rất tích cực.

“Có thể nói, các sản phẩm đêm ở Đà Nẵng đáp ứng gần hết nhu cầu của khách du lịch, chỉ có thời gian về đóng mở cửa các dịch vụ đêm là thành phố vẫn đang giới hạn, nhiều khu điểm chỉ được mở cửa đến khoảng 12 giờ đêm hoặc 1 giờ sáng. Đương nhiên kinh tế đêm phải là quanh năm, nhưng do yếu tố khách quan như thị trường châu Âu và Úc khách đang giảm nên việc phục vụ là tới đâu thôi”, ông Dũng cho hay

Tại TP Hội An, thời gian qua địa phương đã tổ chức nhiều chương trình về văn hóa để

Tại TP Hội An, thời gian qua địa phương đã tổ chức nhiều chương trình mang yếu tố văn hóa  tại khu phố cổ.

Theo ông Dũng, việc giữ chân khách hiện nay tăng rất cao. Ngoài các sản phẩm về đêm thì thành phố còn rất nhiều sản phẩm khác nên việc tăng ngày lưu trú của du khách Đà Nẵng đang làm rất tốt.

Cục Thống kê Đà Nẵng cũng đã dự ước tháng 7 năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.185,2 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 1.012 tỉ đồng; lĩnh vực ăn uống ước đạt 1.173 tỉ đồng. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 12.986 tỉ đồng, trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 5.420 tỉ đồng, lĩnh vực ăn uống đạt 7.566 tỉ đồng.

Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 4,3 triệu lượt, khách quốc tế hơn 1,1 triệu lượt, khách trong nước gần 3,2 triệu lượt. Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 7 tháng là 1,75 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,27 ngày/lượt, khách trong nước là 1,44 ngày/lượt.

Bên cạnh sự phục hồi tích cực của hoạt động du lịch, nhiều nhóm dịch vụ tiêu dùng khác như hoạt động vui chơi, giải trí, karaoke, mátxa, spa, quán bar, dịch vụ làm đẹp... cũng đang có xu hướng tăng trưởng ấn tượng. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 17.740 tỉ đồng.

Gần với Đà Nẵng, TP Hội An (Quảng Nam) cũng đang có định hướng phát triển kinh tế đêm gắn với chủ đề văn hóa địa phương. Hiện nay, các hoạt động về đêm phần lớn đang tổ chức tại Khu phố cổ Hội An và một ít ở vùng lân cận.

Chị Nguyễn Thị Mai, một du khách Hà Nội đi du lịch cùng bạn bè tại Hội An cho rằng việc dạo quanh phố cổ ban đêm khá ấn tượng. Tuy nhiên, chị Mai cũng cho rằng các hoạt động đều kết thúc khá sớm so với nhu cầu của khách du lịch.

“Rất nhiều du khách còn muốn đắm chìm trong không gian về khuya của khu phố di sản, nhưng đa số các hàng quán đều đóng cửa sớm. Ngoài ra cũng có khá ít các cơ sở hoạt động về khuya, trừ các đơn vị kinh doanh cho khách du lịch nước ngoài”, chị Mai chia sẻ.

a

Hội An đã có những hoạch định cho kinh tế đêm theo chiều hướng sâu lắng, gắn với văn hóa địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An địa phương lâu nay có làm kinh tế đêm nhưng chưa hiệu quả. Thời gian tới, thành phố sẽ thúc đẩy kinh tế đêm một cách cẩn trọng nhưng không chậm chạp với việc hình thành các khu vực kinh tế đêm theo từng chủ đề, phù hợp với sắc thái của Hội An.

Đề án phát triển du lịch Hội An thời kỳ mới xác định 6 không gian phát triển du lịch. Trong đó có 2 không gian ưu tiên phát triển là du lịch đường thủy và kinh tế đêm.

Cụ thể, ở khu phố cổ Hội An đã có những hoạch định cho kinh tế đêm theo chiều hướng sâu lắng, dành cho người nghe nhạc nhẹ, nhạc cổ truyền, uống trà tâm giao, bằng hữu, trà uyên ương và một số loại hình ẩm thực đặc biệt chỉ Hội An mới có. Dự kiến không gian phát triển sẽ từ đường Lê Lợi xuống chợ Hội An.

Đồng thời, để phục vụ phát triển kinh tế đêm, Hội An sẽ sắp xếp lại không gian khu phố cổ, dịch chuyển chợ đêm ở đường Công Nữ Ngọc Hoa lên đường Đào Duy Từ (nơi có nhiều khách sạn lớn), địa điểm mới sẽ phù hợp hơn với kinh tế đêm dành cho khách bộ hành.  Ngoài khu phố cổ, chính quyền thành phố Hội An đã giao các cơ quan tham mưu chuẩn bị trình đề án phát triển kinh tế đêm ở khu vực biển Tân Thành (Cẩm An).

Đây là không gian kinh tế đêm đa chức năng dành cho các dịch vụ thương mại - giải trí sôi động, náo nhiệt. Ngoài ra, Hội An cũng có định hướng phát triển kinh tế đêm dọc theo sông Đế Võng - nơi có hệ thống công viên công cộng từ cầu An Bàng xuống Cửa Đại. Khu vực này có sự giao thoa sông và biển, ít ảnh hưởng đến đời sống dân cư.

Có thể bạn quan tâm

  • Tìm hướng đi cho “kinh tế đêm” tại Quảng Ninh

    Tìm hướng đi cho “kinh tế đêm” tại Quảng Ninh

    02:00, 12/08/2023

  • Mega Grand World - bom tấn tạo động lực mới cho nền kinh tế đêm ở Thủ đô

    Mega Grand World - bom tấn tạo động lực mới cho nền kinh tế đêm ở Thủ đô

    17:40, 27/07/2023

  • Khánh Hòa lên kế hoạch phát triển kinh tế đêm

    Khánh Hòa lên kế hoạch phát triển kinh tế đêm

    03:00, 16/07/2023

  • Du lịch Quảng Ninh: “Thắp sáng” kinh tế đêm

    Du lịch Quảng Ninh: “Thắp sáng” kinh tế đêm

    03:40, 18/05/2023

  • Kinh tế đêm và tư duy mở của một vị Chủ tịch tỉnh

    Kinh tế đêm và tư duy mở của một vị Chủ tịch tỉnh

    05:00, 03/05/2023

TUẤN VỸ