Hà Nội tìm giải pháp tăng tốc, phát triển du lịch hiệu quả

MINH CHÂU 09/09/2023 01:00

Với hành trình tương đối khả quan sau 2 năm phục hồi, việc tìm ra giải pháp cho Hà Nội nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững đang đặc biệt được quan tâm.

>>Sức hút của du lịch Hà Nội từ các giải thưởng

Trải qua hơn 2 năm đóng băng do đại dịch Covid-19, ngày 15/3/2022, Việt Nam đã chính thức mở cửa, khôi phục ngành du lịch, trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19. Đây là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu sự trở lại, khởi đầu cho quá trình phục hồi và phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Qua đó, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa.

Tại buổi tọa đàm "Giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững", ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, ngành du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Hiện nay, du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn đang phải đối diện nhiều khó khăn như nguồn lực ngành du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa phong phú, đáp ứng nhiều nhu cầu của du khách sau dịch...

"Thời gian qua, Hà Nội đã có những giải pháp đẩy mạnh, thu hút khách du lịch. Đến hết tháng 8/2023, Hà Nội đón 12,3 triệu lượt khách, trong đó có 2,03 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, số lượng như trên vẫn chưa xứng với tiềm năng. So với năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch nói chung, đặc biệt là khách du lịch quốc tế tới Hà Nội khá thấp" - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh. 

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thông tin, với chính sách mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022 của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội; đồng thời tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới. Thành phố đã triển khai 172 chuỗi các hoạt động trên địa bản, trong đó, nhiều sự kiện đã gây được sự chú ý lớn, tạo đà kích cầu thị trường du lịch. Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và đã được đông đảo du khách đón nhận.

>>Cơ hội bùng nổ khách quốc tế qua dịp lễ Quốc khánh 2/9

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

Năm 2023, thành phố Hà Nội đã vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao 3 giải thưởng là: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023 và Cơ quan quản lý du lịch Thành phố hàng đầu châu Á. Đây là tín hiệu tích cực, hứa hẹn cho thấy nhiều đột phá trong hành trình khôi phục và phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, kinh tế thành phố Hà Nội phục hồi ấn tượng sau đại dịch Covid-19, nhưng phục hồi du lịch chưa thực sự như kỳ vọng. Do đó, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận tích cực của doanh nghiệp, để từ đó có những đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa. 

Năm 2023, thành phố Hà Nội đã vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao 3 giải thưởng

Mới đây, thành phố Hà Nội đã vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao 3 giải thưởng.

Góp ý những giải pháp thu hút khách trong thời gian tới cho du lịch Thủ đô, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội, ngành kinh tế du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Kinh tế du lịch đi tới đâu sẽ phát triển giàu có và văn minh tới đó. Du lịch giảm do kinh tế suy giảm. Vì vậy cần có các cơ chế chính sách động viên kịp thời đối với các doanh nghiệp lữ hành. Các doanh nghiệp cần đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, "chăm chút" cho sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời có gắng tạo ra sản phẩm đặc sắc như du lịch cộng đồng, du lịch sức khoẻ...

Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng cần đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Hà Nội cần đầu tư bài bản và chuyên nghiệp vào các điểm du lịch; tổ chức các dịch vụ du lịch khác nhau để tăng trải nghiệm cho du khách; khai thác hiệu quả tuyến du lịch xe điện kết nối nội đô… 

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong, Hà Nội cần tập trung các giải pháp nhằm tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế; khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đêm, các hoạt động trải nghiệm gia tăng tại các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm; phát triển và hình thành các sản phẩm quà tặng đặc sắc, độc đáo của du lịch; cần quy hoạch tuyến phố du lịch đêm có các hoạt động biểu diễn đặc sắc phục vụ du khách.

Hà Nội cần tập trung các giải pháp nhằm tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Hà Nội cần tập trung các giải pháp nhằm tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Đánh giá cao vai trò của du lịch Hà Nội trong sự phát triển chung của ngành du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, trong giai đoạn tới, du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp cần cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững, đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế đến với Hà Nội. Xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, chú trọng công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.

Bên cạnh đó ngành du lịch Thủ đô cần tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh phục vụ cho công tác quản lý điểm đến và marketing du lịch, tập trung thu hút đầu tư cho các sản phẩm du lịch mới, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch giai đoạn hậu Covid-19. Đồng thời, tăng cường công tác chuyển đổi số, số hóa trong các hoạt động kinh doanh du lịch, góp phần tăng cường hiệu quả kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Hà Nội tiếp tục "bội thu"

    01:00, 28/07/2023

  • Sức hút của du lịch Hà Nội từ các giải thưởng

    01:00, 07/09/2023

  • Tín hiệu mừng của du lịch Hà Nội

    16:56, 09/06/2023

  • Vì sao du lịch Việt vẫn thất thu trong dịp nghỉ lễ 2/9?

    03:00, 06/09/2023

  • Cần mở rộng chính sách visa, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp du lịch

    07:39, 30/08/2023

MINH CHÂU