Tuyên Quang: Phát huy lợi thế, thu hút đầu tư vào du lịch
Với những lợi thế về phát triển du lịch, nhiều năm qua, Tuyên Quang xác định du lịch là một trong những khâu đột phá của tỉnh nhằm ưu tiên cho đầu tư phát triển.
>>Tuyên Quang: Tạo bứt phá cho du lịch
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết: với nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, tuyên quang đã và đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Tuyên Quang, thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
- Thưa ông, đâu là lợi thế riêng có của Tuyên Quang trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch?
Tuyên Quang là tỉnh hội tụ đủ các thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch: Lịch sử - văn hóa, tâm linh - lễ hội, sinh thái - nghỉ dưỡng. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào với những điểm di tích: Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, hang Bòng...; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng đã trở thành địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống, là địa điểm thăm quan hấp dẫn của nhân dân trên mọi miền đất nước; là điểm đến trong hành trình thăm quan, nghiên cứu của khách quốc tế.
Khu danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, có diện tích mặt hồ lên đến 8.000 ha, Nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng cùng với nhiều hang động, danh lam, thắng cảnh là điều kiện phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm; Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 690C độc đáo tốt nhất miền Bắc cùng với hệ sinh thái hài hòa là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng…
Tuyên Quang có các hệ thống đình chùa, đền nổi tiếng linh thiêng hàng trăm năm tuổi, nhiều đền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia và nổi tiếng khắp cả nước như: Đền Hạ nơi phát tích của Mẫu Thoải, tức Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Đền Hạ Tuyên Quang là khởi nguồn của Đền Dùm (Đền Thượng) và Đền Ỷ La. Đây là một cụm đền thờ Mẫu Thoải có chung một nguồn gốc. Đền Cảnh Xanh thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn (Lâm cung Thánh Mẫu) mà nhân dân thường gọi là Bà chúa Thượng Ngàn, cai quản miền rừng núi và ngàn cây… và đang là điểm đến ưa thích của khách du lịch tâm linh trong và ngoài nước.
Với những lợi thế về phát triển du lịch, nhiều năm qua, Tuyên Quang xác định du lịch là một trong những khâu đột phá của tỉnh nhằm ưu tiên cho đầu tư phát triển. Trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhiều chương trình, dự án đầu tư vào hạ tầng du lịch được thực hiện. Đặc biệt, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh nhằm thu hút các doanh nghiệp đến với Tuyên Quang đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch… đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cũng như du khách.
- Môi trường đầu tư thuận lợi cũng là điều kiện tiên quyết để hút các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch nói riêng đến với Tuyên Quang, thưa ông?
Đúng vậy. Để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư vào tỉnh nói chung và lĩnh vực du lịch, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, gây phiền toái cho các nhà đầu tư; thực hiện tốt cơ chế một cửa nhằm tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Tuyên Quang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng du lịch, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa hệ thống đường, điện, cấp thoát nước… tạo tiền đề quan trọng thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch.
Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín đến đầu tư, triển khai các dự án du lịch tại tỉnh như: Dự án Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Dự án đầu tư tôn tạo, xây dựng và khai thác điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba , Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang, Sân golf VNPEARL Mỹ Lâm - Tuyên Quang, Khu công viên thể dục thể thao Mỹ Lâm… Cùng với hỗ trợ các công ty, tập đoàn tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh để triển khai thực hiện đầu tư, Tuyên Quang cũng tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ngành du lịch nói riêng tới các tổ chức, doanh nghiệp trong và nước ngoài để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
- Sản phẩm du lịch độc đáo cũng là một trong những điều kiện quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách. Ở Tuyên Quang, công tác này được định hướng phát triển ra sao, thưa ông?
Xác định sản phẩm du lịch là điều kiện tiên quyết để thu hút du khách, thời gian qua, tỉnh đã định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của Tuyên Quang. Cụ thể: Tuyên Quang đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch trọng điểm gồm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch dịch vụ gắn với các đô thị, du lịch thể thao cao cấp, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh tín ngưỡng… Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên với nhiều mô hình đèn Trung thu nổi tiếng đã được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến và trở thành thương hiệu riêng của Tuyên Quang, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm