Tây Nguyên: Đẩy mạnh khai thác phát triển du lịch lòng hồ
Tây Nguyên đang sở hữu những lòng hồ tuyệt đẹp để phát triển du lịch, các địa phương cũng đang có những kế hoạch dài hơi để khai thác triệt để tiềm năng này.
>>Quảng Nam: Đẩy nhanh tiến độ khu du lịch trong lòng hồ thủy điện
Tây Nguyên sở hữu những nét đẹp hoang sơ được tô vẽ bởi hàng trăm con thác, lòng hồ thuỷ lợi. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thế khai thác các thế mạnh đó để phát triển du lịch. Ngoài hồ Tuyền Lâm, hồ Xuân Hương, hồ Tà Đùng, Hồ Ea Kao, Hồ T’Nưng được phát triển du lịch tương đối tốt, thì các hồ còn lại đều chưa được khai thác đúng tiềm năng.
Để tận dụng tiềm năng của lòng hồ vào du lịch, cuối tháng 8, Huyện ủy Lắk đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh hồ Lắk để xây dựng huyện Lắk phát triển nhanh, hài hòa, bền vững. Mục tiêu của Nghị quyết là đảm bảo sự toàn vẹn của cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác. Sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, các dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển và các công trình kiến trúc liên quan đến thắng cảnh hồ Lắk. 85% diện tích lòng hồ dùng nuôi trồng các loại thủy sản và phát triển du lịch. Ngoài ra, lòng hồ còn đảm bảo tưới tiêu cho 2000 ha cây trồng. Trong đó, doanh thu từ các dịch vụ du lịch liên quan đến hồ Lắk đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu du lịch trong toàn huyện.
Không chỉ huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu khai thác du lịch trên lòng hồ thuỷ lợi, thuỷ điện. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có những kế hoạch để thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Về phát triển du lịch trên lòng hồ, tỉnh Lâm Đồng được coi là điểm sáng trong khu vực.
Tuy nhiên so với số lượng lòng hồ có được, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nói “Hầu hết các hồ ở Lâm Đồng trong thời gian qua chỉ khai thác chủ yếu là thuỷ điện, thuỷ lợi và một phần cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Chưa có nhà đầu tư chiến lược về du lịch sinh thái khai thác tối ưu lòng hồ, mặt nước. Nhiều hồ có điều kiện cảnh quan đẹp và vị trí địa lý rất thuận lợi có thể gắn kết phát triển các khu đô thị phức hợp sinh thái thông minh và du lịch sinh thái độc đáo. Ngoài ra còn có thể khai thác các trò chơi, giải trí, thể dục thể thao trên mặt nước.”
Do đó, Lâm Đồng cũng có những kế hoạch khai thác tối đa tiềm năng của lòng hồ thuỷ lợi, thuỷ điện để phát triển du lịch.
>>Xu hướng mới thúc đẩy bùng nổ du lịch
Tỉnh Gia Lai cũng đã có những kế hoạch dài hơi cho phát triển du lịch. Trong đó, tận dụng một số địa điểm, sự kiện đã tạo nên “vị trí” trong lòng du khách như Hồ T’Nưng (Biển Hồ), làng chài trên lòng hồ thuỷ điện Sê San, đua thuyền trên sông Pô Cô.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai cũng cho hay “Tây Nguyên phải tận dụng hết lợi thế của tự nhiên, lòng hồ, sông suối để tạo ra các hoạt động du lịch hấp dẫn. Chú trọng đến phát triển các dịch vụ phụ trợ, để du khách có nhiều lựa chọn hơn khi chọn nơi dừng chân, ghé lại.”
Du lịch đang dần trở thành ngành đóng góp lớn cho ngân sách của mỗi địa phương. Hy vọng với những kế hoạch, chiến lược phát triển và thu hút đầu tư bài bản, du lịch nói chung và du lịch lòng hồ nói riêng sẽ tạo ra những hấp dẫn riêng cho Tây Nguyên trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm