Quảng Ninh: Du lịch xanh để phát triển bền vững
Thời gian qua, ngành du lịch Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng những điểm đến, sản phẩm du lịch xanh gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
>>>Quảng Ninh: Du lịch sôi động dịp nghỉ lễ
Ông Lê Văn Mạnh – Công ty TNHH TM Du lịch Travel New cho biết: Thời gian qua, TP Móng Cái thật thay da đổi thịt. Nhiều địa điểm được du khách trong và ngoài nước yêu thích khám phá, trải nghiệm như bãi biển Trà Cổ, nhà thờ Trà Cổ, đền Xã Tắc, công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, phố đi bộ Trần Phú, chợ trung tâm... Đặc biệt, khi tuyến cao tốc dọc tỉnh đi vào khai thác, càng mở ra thêm nhiều điều kiện thuận lợi để thành phố vùng biên đẩy mạnh phát triển du lịch.
Dề án Phát triển du lịch Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã được UBND thành phố phê duyệt (Quyết định số 2255/QĐ-UBND ngày 7/4/2022), trong đó xác định mục tiêu phấn đấu đưa Móng Cái trở thành thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn, thông qua các biện pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược, đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đồng thời chú trọng phát triển sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, mang đẳng cấp khu vực; tiếp tục thúc đẩy liên kết vùng, xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại...
Thành phố cũng hướng tới xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, phát triển bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Cùng với đó, một số sản phẩm du lịch mới đã được nghiên cứu, đưa vào triển khai như: Dịch vụ xe du lịch tự lái, tuyến tham quan du lịch thể thao - golf, trải nghiệm ẩm thực Việt - Trung, trung tâm thời trang cao cấp...
Với định hướng lâu dài, thành phố đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng lượt khách tới Móng Cái đạt 4 triệu lượt/năm, thu ngân sách từ dịch vụ du lịch chiếm 15-20% thu nội địa. Phấn đấu đến năm 2030, tổng lượt khách đạt trên 6 triệu lượt/năm, thu ngân sách từ dịch vụ du lịch chiếm 25-30% thu nội địa; lao động trực tiếp ngành dịch vụ và du lịch đạt 6.000 người...
Các mô hình: Du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái ở Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái; HTX dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách đi tham quan các làng chài, khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm (thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long); du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức (TX Đông Triều) của Công ty CP Du thuyền Đông Dương... đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách; góp phần phát huy những giá trị văn hóa, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho địa phương.
Theo xu hướng du lịch xanh, vấn đề môi trường cũng được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Theo đó, tỉnh chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) trong dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long và đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, phải kể đến việc xây dựng tiêu chí cánh buồm xanh cho tàu thủy du lịch trên vịnh Hạ Long; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh vịnh Hạ Long...
Bên cạnh đó, chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra vịnh, sử dụng toàn bộ chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy... để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành tàu du lịch trên vịnh.
Không chỉ ở vịnh Hạ Long, thời gian qua huyện đảo Cô Tô cũng xây dựng môi trường du lịch xanh bền vững. Theo ông Nguyễn Hải Linh - Trưởng phòng VH-TT&DL huyện Cô Tô, từ ngày 1/9/2022, UBND huyện đã triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilông, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lên đảo. Sau 1 năm triển khai thí điểm hiệu quả, từ 15/9/2023, huyện áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần ra đảo.
Anh Đặng Vũ Thắng - du khách đến từ Hải Phòng cho biết, đến du lịch tại Cô Tô, ngoài sự tận hưởng về vẻ đẹp biển đảo quê hương, tôi rất thích với chương trình vừa thu gom rác ở các đảo và bờ biển, vừa được trải nghiệm, khám phá các địa điểm du lịch tuyệt đẹp trên đảo, tôi thấy “tour nhặt rác” thật thú vị và rất vui vì mình được góp phần nhỏ bé của mình vào công tác làm sạch môi trường nơi đây, giữ vững màu xanh cho biển.
Còn theo chủ homestay Coto Center ở xã Đồng Tiến, chuẩn bị nước uống cho khách trong các phòng nghỉ, homestay chỉ sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay thế cho các chai nhựa dùng một lần. Với việc sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường từ mây, tre, cói, gỗ trang trí cho homestay chúng tôi mong muốn tạo cho du khách có cảm nhận thoải mái với các vật dụng gần gũi với thiên nhiên khi nghỉ dưỡng tại homestay.
Việc triển khai đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trên đảo Cô Tô, hướng đến phát triển du lịch xanh - bền vững của tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, tất cả các cơ quan đơn vị hành chính, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn Cô Tô cũng không được sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Để Quảng Ninh xanh hóa các điểm du lịch, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân tiếp tục chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho hoạt động của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất. Các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng, có trách nhiệm với môi trường.
Có thể bạn quan tâm