Nâng mục tiêu đón khách quốc tế, du lịch có kịp về đích?
Nhận định về kế hoạch "chơi lớn" nâng chỉ tiêu đón khách quốc tế lên 12,5 - 13 triệu lượt khách cả năm 2023, nhiều doanh nghiệp lữ hành khẳng định ngành du lịch Việt Nam sẽ "chạy nước rút" thành công.
Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, ngành du lịch nước ta đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới.
Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Du lịch góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
>>> Gia Lai: Phát huy lợi thế để vực dậy ngành du lịch
9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,9 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ riêng tháng 9/2023 đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp du lịch Việt Nam đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Đến quý III/2023, ngành du lịch đã vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế của cả năm 2023.
Những kết quả tích cực đã đạt được là động lực để ngành du lịch Việt Nam nâng tầm mục tiêu đề ra.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, với mục tiêu mới, những tháng còn lại của năm 2023, mỗi tháng Việt Nam cần đón 1,1 - 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Đặc biệt cao điểm tháng 12, dịp Giáng sinh và năm mới.
"Chúng tôi sẽ báo cáo bộ trưởng, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ để thay đổi chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 - 13 triệu lượt khách cả năm 2023, tăng khoảng 156% so với kế hoạch ban đầu", ông Việt cho biết.
Nhận định về kế hoạch "chơi lớn" này, nhiều doanh nghiệp lữ hành bày tỏ sự lạc quan và khẳng định, ngành du lịch Việt Nam sẽ "chạy nước rút" thành công. Ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel, cho rằng đây là mục tiêu khả thi, hoàn toàn có thể đạt được khi mà mùa cao điểm đón khách quốc tế mới chỉ bắt đầu.
“Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời điểm khách nước ngoài đến Việt Nam đông nhất vì họ rất thích mùa thu và mùa xuân ở Việt Nam. Vì thế, từ giờ đến cuối năm và sang đến đầu năm sau, lượng khách quốc tế sẽ ngày càng tăng trưởng. Ba tháng cuối năm, tôi kỳ vọng ngành du lịch sẽ đón được khoảng 4 triệu lượt khách nữa, kịp hoàn thành mục tiêu mới trước khi kết thúc năm 2023”, ông Nghĩa nhận định.
Dẫn chứng về lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh dịp cuối năm, ông Nghĩa cho biết Vietfoot Travel thời điểm hiện tại đã có những đoàn khách đăng ký sang Việt Nam từ cuối tháng 10 và rải rác trong hai tháng còn lại.
Đồng quan điểm, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Vietluxtour, cũng nói: “Quý IV hàng năm là mùa cao điểm đón khách inbout (khách vào Việt Nam), cộng với xu hướng du lịch trên thế giới phục hồi tốt nên con số 13 triệu lượt khách quốc tế hoàn toàn khả thi và phù hợp. Hiện Vietluxtour đã có nhiều tour vào ba tháng cuối năm phục vụ khách quốc tế. Chúng tôi dự báo những ngày tới, lượng khách còn tiếp tục tăng”.
>>> Định hình tương lai bền vững của ngành du lịch và khách sạn
Đánh giá về vai trò ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế hiện nay, yếu tố nội tại của ngành chính là “then chốt” để Việt Nam đạt được kết quả tích cực hiện nay. Cùng với đó là những yếu tố như: chuyển biến tích cực của xu hướng du lịch trên thế giới và khu vực, những chính sách mới cởi mở, thông thoáng của Việt Nam hiện nay…
TS. Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với các sản phẩm du lịch đa dạng, tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chính là du lịch biển; du lịch văn hóa, di sản; du lịch sinh thái và du lịch thành phố.
Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm bổ trợ như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch mạo hiểm, du lịch golf…
>>> Hải Phòng: Hiện thực hóa mục tiêu trung tâm du lịch biển quốc tế
Đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhắc đến năm nay tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề "Hội tụ xanh" sẽ định hướng xu hướng phát triển du lịch xanh bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
“Với những nỗ lực trong việc phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ cùng với sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, đối tác, cơ quan truyền thông, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ”, TS. Hà Văn Siêu tin tưởng.
Có thể bạn quan tâm
Định hình tương lai bền vững của ngành du lịch và khách sạn
14:11, 05/10/2023
Du lịch Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số
00:30, 05/10/2023
Gia Lai: Phát huy lợi thế để vực dậy ngành du lịch
00:10, 05/10/2023
Tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch
14:49, 03/10/2023