Cách nào để du lịch Quảng Nam phục hồi và phát triển bền vững?
Hiện tại, ngành du lịch Quảng Nam đã cơ bản phục hồi, tuy nhiên để cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tái khởi động trở lại hoàn toàn vẫn cần thêm nhiều động lực.
>>Quảng Nam thúc đẩy du lịch thông minh
Năm 2023, ngành du lịch Quảng Nam đặt mục tiêu đón trên 7 triệu lượt khách và tái khởi động toàn bộ hoạt động du lịch trên địa bàn.
Giữ chân khách chi tiêu nhiều hơn
Thông tin từ Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, trong 10 tháng đầu năm, ngành du lịch đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa ngành du lịch trở lại “đường ray” tăng trưởng và đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, với nhiều hoạt động, sự kiện kích cầu mạnh mẽ, ngành du lịch có sự phục hồi nhanh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, số lượng khách đến Quảng Nam 10 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022, nhất là tăng cao vào các ngày cuối tuần, dịp lễ, tết, đặc biệt khách du lịch quốc tế đã phục hồi mạnh so với năm 2022.
Theo số liệu, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trong 10 tháng đạt 6.805.000 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 3.330.000 lượt và khách nội địa đạt 3.475.000 lượt. Doanh thu du lịch 10 tháng đầu năm 2023 đạt 7.010 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 16.474 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho hay thị trường khách quốc tế trọng điểm đến Quảng Nam thời gian qua gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Úc, Malaysia, Mỹ, Thái Lan, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc. Vị này cho biết dự kiến đến hết năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2023 ước đạt 7.550.000 lượt.
“Hiện nay, tỉnh đang tập trung nâng cấp và xây dựng mới sản phẩm theo hướng du lịch xanh, bền vững, nhiều sản phẩm du lịch xanh được xây dựng, đưa vào phục vụ khách. Cùng với đó, ngành du lịch cũng đang tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh rà soát bổ sung quy hoạch các khu vực mặt biển có thể phát triển các sản phẩm du lịch thể thao, du lịch giải trí biển, phát triển một số khu vực kinh tế đêm, quy hoạch sân golf... để phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút khách ở dài ngày, chi tiêu nhiều hơn.
Đặc biệt, Quảng Nam đang phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch, với các ngành, lĩnh vực như hàng không, truyền thông...trong nước và quốc tế”, ông Hồng thông tin.
Nghiêm túc với du lịch xanh
Đại diện Silk Sense Hoi An River Resort cho hay du lịch xanh đã trở thành một xu hướng quan trọng và là cách hiệu quả để nâng cao hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp. Theo vị này, định hướng du lịch xanh là chiến lược phát triển bền vững và định vị thương hiệu du lịch của Quảng Nam trong hiện tại và tương lai.
“Việc định vị và phát triển doanh nghiệp du lịch theo hướng xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh doanh mà còn góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương. Việc thực hiện du lịch xanh chắc chắn sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, tuy nhiên, không hẳn doanh nghiệp nào cũng có thể phát triển theo hướng xanh – bền vững và cũng không phải doanh nghiệp nào cũng quyết tâm theo đuổi con đường phát triển này”, vị đại diện doanh nghiệp cho hay.
Theo các doanh nghiệp, việc cần làm là bắt đầu bằng việc cam kết bền vững đối với môi trường và cộng đồng. Điều này nên được phản ánh trong sứ mệnh, giá trị cốt lõi và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Cam kết này không chỉ là văn bản, mà còn phải được thể hiện thông qua hành động cụ thể.
Cùng với đó là các đơn vị nên tận dụng những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường trong quá trình xây dựng và trang trí nội thất là điều cần thiết. Bên cạnh đó, việc đưa ra các sản phẩm, chương trình “du lịch bền vững” vừa tạo ra lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp vừa mang lại giá trị và lợi ích cho xã hội, cộng đồng địa phương, góp phần bảo vệ di sản văn hóa và giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường.
Đặc biệt hơn là tạo và truyền tải thông điệp “xanh” đến với du khách với cam kết bảo vệ môi trường và thúc đẩy du lịch bền vững giúp xây dựng hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp. Khách hàng thường đánh giá cao các doanh nghiệp có cam kết bền vững và sẵn sàng chấp nhận trả giá cao hơn để tham gia vào các trải nghiệm du lịch xanh.
Các chuyên gia cho rằng: “Du lịch xanh nên là một ý tưởng khởi nghiệp hơn là một giải pháp đối phó” và doanh nghiệp cần thực hiện theo hướng này với tầm nhìn xa hơn và cam kết sâu sắc. Du lịch xanh đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy kinh doanh và tích hợp nguyên tắc bền vững vào mọi khía cạnh của hoạt động. Điều này không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo cơ hội cho du lịch trở nên ý nghĩa và tốt đẹp hơn”.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho hay, cộng đồng làm du lịch Quảng Nam đã hiện thực hóa ý tưởng Du lịch “xanh” vào thực tế sinh động, hiện hữu những sản phẩm du lịch từ chất liệu của sự tái chế- đong đầy, hoạt động chuyển đổi sang vật liệu thân thiện trong cung cấp dịch vụm sáng tạo những tour “xanh” kết hợp môi trường- trồng trọt thuận nhiên theo mô hình tuần hoàn, trải nghiệm giá trị truyền thống. Cùng với đó là thiết kế sản phẩm du lịch nương tựa vào nền tảng nông nghiệp thuận nhiên hay mang lại giá trị phục vụ từ chất liệu của nghề thủ công- văn hóa truyền thống hoặc cung cấp một “bữa ăn không rác thải”… Những hiện hữu đó góp phần mặc định cho một thương hiệu “điểm đến xanh” trong du lịch Quảng Nam.
“Nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam đã ổn định doanh số, giữ khách quay trở lại thông qua hành động “xanh” trong cung cấp dịch vụ du lịch, như tuần hoàn rác hữu cơ, sử dụng vật liệu thân thiện, tiết giảm sản phẩm nhựa và một số vật dụng, tổ chức hoạt động trồng trọt và bảo vệ môi trường, giới thiệu trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống- nghề thủ công và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng… Chẳng hạn, một cơ sở lưu trú ở Hội An cho biết, thông qua những hoạt động này đã tiết kiệm được 20% chi phí điện năng, tiết giảm 1/3 khối lượng rác thải ra môi trường và hiện nay tỷ lệ có khách sử dụng phòng từ 90% trở lên”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, doanh nghiệp có thể là thiết lập sản phẩm cung cấp sự trải nghiệm cho du khách trở lại tính nguyên bản của sự sống thông qua chất liệu văn minh nông nghiệp thuận nhiên- truyền thống, trồng trọt- thu hoạch, nuôi dưỡng- đánh bắt bền vững, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm văn hóa cội nguồn và tính khác biệt văn hóa. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng có thể tạo ra sản phẩm sáng tạo từ sự khai thác nhu cầu được khám phá nhằm khẳng định sự hiện diện, được chia sẻ trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng nhằm khích lệ sự sáng tạo trong cách sống, tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường.
Có thể bạn quan tâm